Chớ quên chăm sóc sức khỏe tâm thần

(Dân trí) - Năm mới đã đến và hầu hết mọi người rất có thể đã thực hiện ít nhất một giải pháp cho năm 2016. Tuy nhiên, trong khi phần lớn mục tiêu chỉ hướng tới nâng cao sức khỏe thể chất, có bao giờ bạn nghĩ tới việc làm thế nào bạn để cải thiện sức khỏe tâm thần?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): "Sức khỏe tâm thần là một phần không thể tách rời của sức khỏe; Thực vậy, sẽ không có sức khỏe nếu không có sức khỏe tâm thần".

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người có sức khỏe tâm thần kém tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim và đột quỵ.

Hơn nữa, các nghiên cứu đã liên hệ sức khỏe tâm thần kém với phân biệt đối xử về giới, không hòa nhập xã ​​hội, tăng nguy cơ bạo lực và tội phạm và một lối sống không lành mạnh.

Theo định nghĩa của WHO, sức khỏe tâm thần tốt là "trạng thái sức khỏe trong đó một cá nhân nhận thức được khả năng của chính mình, có thể đối phó với những stress bình thường của cuộc sống, có thể làm việc một cách năng suất và có thể đóng góp cho cộng đồng của mình".

Dưới đây là một số cách để bạn có thể cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất, sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì trong cuộc sống trong năm mới

Chế độ ăn lành mạnh

Chớ quên chăm sóc sức khỏe tâm thần - 1

Chúng ta đều biết rằng chế độ ăn cân đối và lành mạnh có lợi cho sức khỏe thể chất. Nó có thể giúp duy trì cân nặng và bảo vệ chống lại một loạt bệnh, bao gồm bệnh tim, tiểu đường và ung thư.

Nhưng chế độ ăn lành mạnh cũng có lợi cho sức khỏe tâm thần, vì não cần sự kết hợp các chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe và hoạt động tốt, giống như mọi bộ phận khác trong cơ thể.

Một trong những chế độ ăn được xem là lành mạnh nhất là chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, kết hợp việc ăn nhiều các loại đậu, hạt có vỏ cứng, ngũ cốc, các loại hạt, thực phẩm có nguồn gốc thực vật và trái cây. Chế độ ăn này cũng ít chất béo no, bao gồm ăn vừa phải cá, gia cầm, sữa, và ăn ít thịt cũng như thực phẩm có đường.

Có một số loại thực phẩm và đồ uống liên quan đến sức khỏe tâm thần kém. Đó là những thứ thực phẩm và đồ uống có chứa đường, chất phụ gia nhân tạo (số E) và cafein, vì việc ăn/uống nhiều những thứ này có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần.

Uống nhiều rượu cũng liên quan đến tăng nguy cơ lo âu và trầm cảm, do đó các chuyên gia khuyên nên hạn chế uống rượu để có sức khỏe tâm thần tốt.

Tập luyện thường xuyên

Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với mọi khía cạnh của sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tâm thần. Bộ Y tế Mỹ khuyên người lớn nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc tập cường độ mạnh 75 phút mỗi tuần.

Nhưng bạn không nhất thiết phải thực hiện những buổi tập dài buồn tẻ trên máy chạy bộ để đạt được những lợi ích đối với sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu đã cho thấy việc đi bộ tự nhiên theo nhóm có thể thúc đẩy sức khỏe tâm thần tốt.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy tập thể dục ngoài trời có thể hiệu quả ngang với thuốc chống trầm cảm trong điều trị trầm cảm và lo âu mức độ nhẹ và vừa.

Ngủ tốt hơn

Chớ quên chăm sóc sức khỏe tâm thần - 2

Ai cũng biết rằng những trục trặc về giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu năm 2010 của Viện Y tế toàn cầu George (Australia) cho thấy những người ngủ ít hơn 5 giờ ngủ mỗi đêm có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần.

Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) khuyên bạn nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày - kể cả ở những ngày cuối tuần và trong các ngày lễ - vì nếp sinh hoạt đều đặn sẽ củng cố chu kỳ thức - ngủ của cơ thể, thúc đẩy giấc ngủ tốt hơn.

Những nghi thức trước khi đi ngủ - chẳng hạn như tắm nước ấm hoặc đọc sách - cũng khuyến khích giấc ngủ tốt hơn, vì nó báo cho cơ thể biết đã đến lúc nghỉ ngơi. Màn hình điện tử, TV, máy tính và điện thoại sẽ kích thích não bộ, khiến nó khó thư giãn, vì vậy tốt nhất là tắt hết chúng khi đi ngủ.

Môi trường cũng rất quan trọng cho một đêm ngon giấc, và hầu hết mọi người sẽ ngủ ngon hơn trong một căn phòng mát mẻ, tối và yên tĩnh.

Một lượng lớn rượu, cà phê và các thực phẩm có đường vào buổi tối có thể gây rối loạn giấc ngủ, vì vậy các chuyên gia khuyên nên hạn chế sử dụng để có giấc ngủ ngon.

Xử lý stress

Ai trong chúng ta cũng có lúc bị stress. Dù đó là hệ quả của công việc, các mối quan hệ hoặc vấn đề tiền bạc, mọi người đều hiểu rằng stress có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu của ĐH California – Berkeley tháng 2/2014 cho thấy căng thẳng có thể gây ra các bệnh lý tinh thần. Tuy nhiên, có nhiều cách để chúng ta có thể giảm hoặc xử lý stress.

Chớ quên chăm sóc sức khỏe tâm thần - 3

Nghiên cứu đã báo cáo về lợi ích giảm stress của yoga và thiền chánh niệm. Một nghiên cứu năm 2008 thấy rằng các hoạt động đặt cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi bằng cách thay đổi phản ứng gen của cơ thể với stress. Một nghiên cứu gần đây cho thấy yoga có thể làm giảm nguy cơ lo âu và trầm cảm ở phụ nữ có thai.

Giữ lạc quan trong thời điểm khó khăn cũng làm giảm stress. Một nghiên cứu năm 2012 đăng trên Psychological Science cho thấy mỉm cười trong thời điểm căng thẳng có thể làm giảm phản ứng stress của cơ thể, cho dù người đó đang cảm thấy vui hay buồn.

Thực hiện những thay đổi lối sống đã nói ở trên - như chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giấc ngủ có chất lượng - cũng giúp ứng phó với stress. Những kỹ thuật hữu ích khác bao gồm lập danh sách để giúp sắp xếp mọi thứ vào đúng vị trí của nó, thường xuyên nghỉ xả hơi và quyết tâm không ôm đồm quá nhiều việc.

Đối với stress do công việc, phát triển mối quan hệ tốt với đồng nghiệp để xây dựng một mạng lưới hỗ trợ và tâm sự với ai đó mà bạn tin tưởng, tại nơi làm việc hoặc ở ngoài, về những gì khiến bạn băn khoăn hoặc làm bạn cảm thấy stress. Điều này có thể giúp bạn ứng phó với stress ở nơi làm việc.

Tìm việc làm có thu nhập, tham gia hoạt động tình nguyện, hoặc thỏa mãn sở thích

Thất nghiệp có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần. Nhưng tham gia hoạt động tình nguyện hoặc thỏa mãn sở thích cũng có hiệu quả thúc đẩy sức khỏe tâm thần tốt.

Chăm sóc cho người khác thường là một phần quan trọng trong việc gìn giữ mối quan hệ với những người thân.

Chớ quên chăm sóc sức khỏe tâm thần - 4

Tập trung vào một sở thích, như làm vườn hoặc giải ô chữ, có thể giúp quên đi lo lắng và thay đổi tâm trạng. Sẽ rất tốt nếu bạn tìm được một sở thích mà ở đó bạn không bị coi là cha hay mẹ, là đối tác hoặc nhân viên của ai đó. Một nơi mà bạn chỉ là bạn mà thôi.

Đặt mục tiêu thực tế!

Dưới đây là một số bí quyết để đặt ra những giải pháp cho 1 sự biến chuyển mới và bám sát chúng:

- Đặt mục tiêu sớm chứ đừng chờ đến phút cuối cùng

- Nói chuyện với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp về các giải pháp của bạn và cho họ biết họ có thể làm gì để giúp bạn bám sát những giải pháp đó.

- Ghi nhật ký hàng tuần để xem bạn đã tiến được tới đâu; điều này sẽ giúp bạn duy trì động lực

- Khi đạt được một mục tiêu, hãy ăn mừng bằng cách tự thưởng cho mình

- Nếu đi chệch khỏi mục tiêu - ví dụ, phá vỡ chế độ ăn kiêng một ngày - hãy coi nó như là một trở ngại nhỏ. Bạn luôn có thể trở lại vào ngày hôm sau.

- Sẽ cần có thời gian để quen với bất kỳ thay đổi nào, nhưng nếu thấy khó khăn cũng đừng vội bỏ cuộc.

Tất nhiên, bạn không cần phải đợi đến năm mới để đưa ra những thay đổi có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể làm việc này vào bất kì thời điểm nào trong năm. Nhưng năm mới là một cơ hội để nghĩ về những tiến bộ mà bạn muốn đạt được và sau đó thực hiện các bước cụ thể để đạt được chúng.

Cẩm Tú

Theo MNT