Chính thức bỏ quy định “ngực lép” không được lái xe từng gây tranh cãi
(Dân trí) - Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe do Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế vừa ban hành đã chính thức bỏ tiêu chí “ngực lép” không được lái xe. Thông tư này có hiệu tực từ 10/10/2015.
Theo đó, trong nội dung thông tư được ban hành đã bỏ hoàn toàn tiêu chí “ngực lép”, thấp lùn không được lái xe được đưa ra lấy í kiến, gây lùm xùm dư luận như mấy năm trước đó. Tuy nhiên các tiêu chuẩn về sức khỏe còn lại được đưa ra rất chi tiết theo 9 chuyên khoa gồm: tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, tim mạch, cơ xương khớp, hô hấp, nội tiết, thuốc và các chất hướng thần khác.
Để đủ tiêu chuẩn lái xe, người khám sức khỏe lái xe phải đạt yêu cầu khi khám qua các chuyên khoa: tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết, việc sử dụng thuốc và các chất hướng thần khác.
Trong từng chuyên khoa lại có các quy định chi tiết về yêu cầu sức khỏe với người lái xe. Như trong chuyên khoa mắt, với hạng lái xe hạng A1 bị một trong các các dị tật như: Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; thị lực nhìn xa hai mắt: <4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính), còn một mắt, thị lực <4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính) thì sẽ không được lái xe.
Hay người đang có các rối loạn tâm thần cấp. Rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng).… cũng không được lái xe hạng A1.
Còn với người lái xe hạng B1 khi có các vấn đề thị lực như nhìn xa hai mắt: < 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính). Nếu còn một mắt, thị lực <5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính)’ Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây. Song thị kể cả có điều chỉnh bằng lăng kính; Cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)… sẽ không đủ tiêu chuẩn được lái xe hạng B1.
Với người gù, vẹo hoặc quá ưỡn cột sống; cứng, dính cột sống bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng tới chức năng vận động sẽ không được lái xe hạng A2 trở lên và B2 trở lên, gồm xe mô tô lớn hơn 175 phân khối, xe tải, công-ten-nơ và ô tô kinh doanh thương mại…
Những người bị rối loạn tâm thần cấp; rối loại tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 06 tháng, rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng… lần lượt không được lái xe hàng A1, B1, hạng thuốc nhóm 3.
Bộ Y tế cho biết quy định này được đưa ra nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lái xe để họ đủ điều kiện lái xe an toàn. Đây cũng là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người, do vậy người dân nên đòi hỏi thầy thuốc khám thực hiện theo quy trình, bảo đảm chất lượng chuyên môn. Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo với các cơ quan trực thuộc cũng như đề nghị với các cơ quan chức năng khác cùng vào cuộc để ngăn chặn, kiểm tra sát sao việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe khống, đồng thời yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng quy trình.
Bộ Y tế cũng sẽ chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn về khám chữa bệnh cho người có nhu cầu được cấp bằng lái xe. Người dân trước hết cũng cần xác định đi khám sức khỏe là một quyền lợi, phải đòi hỏi thầy thuốc khám chất lượng, đúng quy trình chuyên môn. Bộ cũng chỉ đạo và yêu cầu kiểm tra sát sao đối với việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
Thông tư này sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 10/10/2015.
Hồng Hải