Chiến thuật sinh tồn độc đáo của loài vi khuẩn gây ung thư dạ dày 50% người Việt mắc

(Dân trí) - Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) là tác nhân gây bệnh viêm loét dạ dày và nghiêm trọng hơn là ung thư dạ dày. Điều nguy hiểm là vi khuẩn HP miễn nhiễm với axít dạ dày, đồng thời thuốc kháng sinh cũng gần như “bất trị” với loài vi sinh vật này.

Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) là tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và nghiêm trọng hơn là ung thư dạ dày. Đặc biệt đây là vi khuẩn duy nhất có thể sống sót trong môi trường axít đậm đặc như dạ dày, và nó được tìm thấy ở hầu hết các bệnh nhân bị ung thư dạ dày tại Việt Nam.

Chiến thuật sinh tồn độc đáo của loài vi khuẩn gây ung thư dạ dày 50% người Việt mắc - 1

Ở quy mô toàn cầu, có đến 50% dân số được cho là đã bị xâm nhiễm bởi vi khuẩn HP. Mặc dù phổ biến và nguy hiểm đến vậy, nhưng cơ chế xâm nhiễm và kháng lại axít của loài vi khuẩn này vốn vẫn là một ẩn số cho đến nghiên cứu gần đây của nhóm các nhà khoa học đến từ Anh và Hoa Kỳ.

Biểu hiện và biến chứng của vi khuẩn HP

Vi khuẩn Hp thường xâm nhiễm vào cơ thể khi chúng ta còn là trẻ con. Sau đó, loài vi sinh vật này sẽ tồn tại trong dạ dày của người bị nhiễm gần như suốt cuộc đời. Việc bị nhiễm khuẩn HP thường không gây ra bất kì dấu hiệu, triệu chứng nào. Hầu như thấy cả mọi người đều không nhận ra mình đã bị xâm nhiễm cho đến khi xuất hiện các biến chứng. Tuy nhiên, một vài trường hợp nhiễm vi khuẩn HP vẫn xuất hiện triệu chứng bao gồm:

-Đau hoặc có cảm giác nóng vùng bụng

- Đầy bụng

-Ợ hơi thường xuyên

-Mất cảm giác thèm ăn

-Buồn nôn

-Giảm cân

Chiến thuật sinh tồn độc đáo của loài vi khuẩn gây ung thư dạ dày 50% người Việt mắc - 2

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 75% các trường hợp ung thư dạ dày và 5,5% trường hợp u ác tính trên thế giới đề có liên quan đến những tổn thương do vi khuẩn HP gây ra. Tuy nhiên, cơ chế phát triển các bệnh ung thư liên quan đến vi khuẩn HP vẫn chưa được làm rõ.

Giải mã chiến thuật sinh tồn của vi khuẩn HP

Như đã đề cập ở trên, dù môi trường bên trong dạ dày có tính axít mạnh nhưng vi khuẩn HP vẫn có thể sống sót và thậm chí là có thể phát triển mạnh trong nhiều năm liền. Những người bị nhiễm vi khuẩn HP thường được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, ngay cả phương pháp này cũng không thể loại bỏ hoàn toàn HP. Sau thời gian điều trị, khuẩn lạc tương tự sẽ phát triển trở lại trong dạ dày. Hiện tượng này khiến các nhà khoa học tin rằng, HP đã trốn ở một nơi nào đó trong dạ dày và có thể an toàn tái tạo sau liệu trình kháng sinh.

Chiến thuật sinh tồn độc đáo của loài vi khuẩn gây ung thư dạ dày 50% người Việt mắc - 3

Tập trung nghiên cứu theo hướng giả thuyết này, nhóm các nhà khoa học đến từ Anh và Hoa Kỳ đã sử dụng các chủng vi khuẩn HP được nhuộm màu huỳnh quang đỏ/xanh làm xâm nhiễm vào chuột thí nghiệm, rồi tiến hành theo dõi “nhất cử nhất động” của vi khuẩn thông qua kính hiển vi 3D và kỹ thuật PACT (một kỹ thuật khiến các mô trở nên trong suốt).

Sau khi tiến hành phân tích dạ dày của chuột, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, vi khuẩn HP, trong các trường hợp, đều chọn chung một vị trí trú ngụ trong dạ dày. Cụ thể, ngôi nhà của vi khuẩn HP chính là các tuyến nhỏ trên thành dạ dày, có cấu trúc phân nhánh thành nhiều ống nhỏ, và chỉ có duy nhất một lối vào mà vi khuẩn HP có thể chui lọt. Một khi vi khuẩn HP đã hình thành được khuẩn lạc, nó sẽ mở rộng địa bàn ra các tuyến lân cận, tiếp đó hình thành các cụm khuẩn lớn dần theo thời gian.

Chiến thuật sinh tồn độc đáo của loài vi khuẩn gây ung thư dạ dày 50% người Việt mắc - 4

Bên cạnh phát hiện này, nhóm nghiên cứu cũng khám phá được nhiều điều thú vị khác về tập tính của vi khuẩn HP. Điển hình như việc HP hình thành ở các tuyến trong dạ dày không hề trộn lẫn với các vi khuẩn bơi tự do trong lớp chất nhầy dạ dày. Trên thực tế vi khuẩn HP sẽ cạnh tranh không gian và ngăn các vi khuẩn khác sinh sôi trong dạ dày. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng, độ tuổi của vật chủ (con người), vào thời điểm bị nhiễm khuẩn HP và các đáp ứng miễn dịch có sự ảnh hưởng đến mật độ của vi khuẩn này trong các tuyến dạ dày.

Dựa trên các phát hiện này, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: Vi khuẩn HP tạo lực lượng dự trữ bên trong dạ dày bằng cách xâm nhiễm vào các tuyến dạ dày, và kho dự trữ này chính là thứ giúp vi khuẩn HP phục hồi quân số nhanh chóng sau thời gian trị liệu bằng kháng sinh, cũng như giúp vi khuẩn HP có thể sinh sôi trong dạ dày trong thời gian rất lâu.

Minh Nhật

Theo MedicalNewsToday, Journals.PLOS