1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chia sẻ mẹo hạ sốt cho trẻ bằng lươn sống: Cực nguy hiểm

Trên mạng xã hội sốt "xình xịch" một “mẹo” hạ sốt cho cho con bằng... lươn. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vô cùng ngạc nhiên về cách chữa bệnh “chưa từng có trong y văn” và cho biết “đây là biện pháp vô cùng nguy hiểm cho trẻ”.

Không thể “hút” bệnh bằng lươn

Trên mạng xã hội Facebook, dân mạng rần rần chia sẻ mẹo hạ sốt bằng lươn của một mẹ có nick H.L.

Nickname này viết: “Mấy ngày nay B.N. bị sốt lên ban đỏ, uống thuốc hoài thấy lâu hết mà con thì sốt cao quá mình nóng ruột.

Nhiều người chỉ lấy lươn sống lăn là hết. Sáng sớm mẹ mình đi chợ mua 3 con lươn sống về lăn, thấy hiệu quả rõ rệt luôn. Mình thấy con lươn chuyển sang hết màu đỏ luôn (đó là chất độc trong ban mà con lươn hút). Mẹ nào có con bị ban đỏ thì làm như thế này nhé, rồi mua rượu nhẹ lau sạch rất nhanh khỏi”.

Chia sẻ mẹo hạ sốt cho trẻ bằng lươn sống: Cực nguy hiểm - 1
Hình ảnh Facebook và các hình ảnh “hút” bệnh bằng lươn được chia sẻ trên Facebook
Hình ảnh Facebook và các hình ảnh “hút” bệnh bằng lươn được chia sẻ trên Facebook

Bài viết đã nhận được gần 8.500 chia sẻ (shares) và rất nhiều like. Nhiều người tỏ ra kinh sợ nhưng cũng không ít người cho biết muốn học tập “cách hay” này để hạ sốt cho con.

Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Lương y Hà Nội) cho biết, trong Đông y hoặc các bài thuốc dân gian cũng chưa từng ghi nhận cách hạ sốt lạ lùng như vậy. Ông Trung cho biết, trẻ bị sốt là do nhiều nguyên nhân, phải tìm được nguyên nhân gây bệnh để trị dứt điểm thì cơn sốt mới hạ.

Nếu chỉ tìm cách hạ sốt mà bệnh vẫn còn thì hạ xong sẽ lại sốt. Ngoài ra việc đưa một con lươn lên người trẻ có thể khiến trẻ gặp những cơn lạnh đột ngột khiến trẻ càng bệnh nặng hơn. Cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy, dùng lươn “lăn” có thể khiến chất độc từ cơ thể bé “truyền sang” con lươn.

Chưa kể trẻ sẽ sợ hãi, sốc với những con vật hình rắn, lạnh lẽo như vậy. “Với những hình ảnh đã đăng thì người lớn cũng khiếp chứ không nói gì đến trẻ nhỏ” – lương y Trung cho biết.

Trẻ có thể sốc vì lạnh và sợ

Còn TS Nguyễn Tiến Dũng –chuyên gia nhi khoa (khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, việc dùng lươn hạ sốt có sự rủi ro rất lớn đối với sức khoẻ của trẻ.

“Các nghiên cứu trên thế giới đã nghiên cứu rất nhiều phương pháp hạ sốt và đúc kết: tất cả các biện pháp hạ sốt vật lý tiếp xúc trực tiếp trên da (chườm nóng, chườm lạnh, xoa dầu, xoa cồn cho nhiệt bốc hơi...) đều không có tác dụng nhiều trong việc hạ sốt, đồng thời “lợi bất cập hại”.

Đặc biệt, các biện pháp hạ sốt trực tiếp trên da không nên áp dụng cho trẻ nhỏ. “Trẻ nhạy cảm với nhiệt độ, sức đề kháng kém, vì thế việc chườm nóng, lạnh hoặc tắm lạnh sẽ dễ khiến trẻ bị sốc, bệnh nặng hơn. Đặc biệt đối với các trẻ sốt cao do viêm đường hô hấp, viêm phổi thì càng không nên chườm lạnh. Vì việc này có thể khiến trẻ gặp lạnh đột ngột và viêm phổi nặng hơn” TS Dũng cho biết.

Theo TS Dũng, trước đây có một số cơ sở y tế áp dụng phương pháp tắm nước lạnh cho trẻ bị sốt. Việc tắm lạnh phải được sự kiểm soát chặt chẽ của các bác sĩ để tránh việc trẻ bị sốc, đồng thời phải đảm bảo nhiệt độ nước tắm chỉ được ít hơn 2 độ C so với thân nhiệt của em bé.

“Việc kiểm soát nhiệt độ của nước rất khó khăn nên các bà mẹ không nên thử. Đồng thời, việc tắm nước lạnh cho trẻ cũng chỉ có tác dụng hạ sốt khoảng 2h, tuy nhiên không làm bệnh thuyên chuyển” – TS Dũng nói thêm.

TS Dũng khẳng định, việc tác động ngoài da khi trẻ bị sốt, bao gồm cả phương pháp dùng lươn như bà mẹ H.L sẽ khiến trẻ run rẩy, sợ hãi, quấy khóc, khó chịu, bệnh sẽ nặng hơn. Như vậy chỉ có hại cho trẻ. Càng không có con vật nào, cách nào “hút” chất độc, “hút” bệnh từ cơ thể trẻ.

“Khi trẻ sốt trên 38 độ C thì nên cho trẻ uống thuốc giảm sốt theo các khuyến cáo của thầy thuốc. Các bà mẹ nên đọc kỹ cách sử dụng để thuốc giảm sốt được phát huy hiệu quả, uống đủ liều, đủ thời gian quy định giữa hai lần uống để tránh nguy hiểm cho trẻ.

Nếu trẻ không giảm sốt thì có nghĩa các bà mẹ chưa làm đúng cách, chưa trị đúng bệnh. Do đó các mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị đúng” – TS Nguyễn Tiến Dũng

Theo Diệu Linh

Dân Việt