Chìa khóa để làm mẹ an toàn

Chăm sóc bà mẹ khi mang thai có vai trò quan trọng vì liên quan trực tiếp tới giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật cho cả mẹ lẫn con.

Chăm sóc trước sinh bao gồm:

 

Khám thai định kỳ

 

Trong quá trình mang thai, mỗi thai phụ phải được khám thai ít nhất 3 lần: lần thứ nhất trong 3 tháng đầu, lần thứ hai trong 3 tháng giữa, lần thứ ba trong 3 tháng cuối. Nếu khám thường xuyên một tháng một lần thì càng tốt.

 

Việc khám thai thường xuyên sẽ giúp phát hiện những bất thường xảy ra trong thời kỳ mang thai, góp phần hạn chế các tai biến sản khoa đồng thời hướng dẫn cho thai phụ những vấn đề liên quan đến tình trạng thai sản của họ.

 

Nội dung các lần khám thai

 

Hỏi ngày kinh cuối cùng để tính tuổi thai. Đếm mạch, đo huyết áp, khám các bệnh nội khoa, nghe tim, phổi, khám xem có bị phù hay thiếu máu không, thử nước tiểu xem có protein hoặc đường không, đo chiều cao của tử cung, đo vòng bụng, cân nặng của bà mẹ để theo dõi sự phát triển của thai.

 

Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ phải tăng ít nhất từ 8 đến 12kg. Nếu tăng từ 18 kg trở lên có thể là bệnh lý. Tất cả phải được ghi vào phiếu khám và theo dõi thai... Vấn đề tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt (acid folic...) để chống thiếu máu...

 

Những bất thường khi mang thai

 

Trong khi mang thai, nếu ra máu ở bất kỳ giai đoạn nào đều là bất thường. Cần được khám, theo dõi và xử lý đúng cách, hợp lý, kịp thời nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 

Chẳng hạn ra máu trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa có thể gặp các bệnh sau: dọa sảy thai hoặc sảy thai, thai chết lưu, chửa ngoài tử cung, chửa trứng. Ra máu trong 3 tháng cuối có thể là: rau tiền đạo, vỡ tử cung hoặc rau bong non.

 

Các thai nghén có nguy cơ cao

 

Những thai nghén có kèm theo một hay nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con trong quá trình thai nghén, trong và sau đẻ thì được gọi thai nghén có nguy cơ cao. Những thai phụ này cần được chuyển tuyến hoặc theo dõi quản lý chặt chẽ và xử lý kịp thời. tránh biến chứng.

 

Nguy cơ từ phía mẹ: mẹ quá nhỏ bé, bất thường về khung chậu, mẹ có các bệnh nội khoa như tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi, thận và các bệnh về phụ khoa, sản khoa (đẻ con so khi người mẹ lớn tuổi, quá trẻ tuổi hoặc đẻ con rạ khi người mẹ trên 40 tuổi).

 

Những nguy cơ do thai nghén như nhiễm độc thai nghén, ra máu âm đạo, vỡ ối non, vỡ ối sớm, tử cung quá căng to, thai to, đa thai, ngôi thai bất thường (ngôi ngược, ngôi ngang...).

 

Về ăn uống

 

Khi mang thai, người phụ nữ cần ăn tất cả các thức ăn đa dạng trừ một số chất kích thích. Khẩu phần ăn phải tăng cả về số lượng và chất lượng. Nếu ăn uống kém, không đủ chất thai phụ sẽ bị thiếu máu, trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân khi sinh, dễ bị bệnh tật và tử vong.

 

Chú ý ưu tiên chọn các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, đậu phụ, tôm cua, rau quả tươi... Không ăn các thức ăn tái hoặc sống, thức ăn ôi thiu để tránh ngộ độc dẫn đến tiêu chảy, mất nước, nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi.

 

Chế độ lao động

 

Nghỉ ngơi hợp lý trong khi mang thai, không làm việc quá nặng, không làm việc ở nơi cao, chênh vênh dễ trượt chân ngã gây sảy thai. Không ngâm mình dưới nước để tránh bị nhiễm khuẩn đường sinh sản hoặc bị lạnh làm tử cung bị kích thích gây sảy thai, đẻ non. Không làm những việc tiếp xúc với chất độc như thuốc trừ sâu.

 

Chế độ nghỉ ngơi

 

Thai phụ cần được ngủ đủ 8 giờ/ngày, tinh thần thoải mái, không lo lắng. Ít nhất phải nghỉ việc, nghỉ công tác trước khi sinh một tháng, như vậy thai phụ sẽ có sức khỏe tốt và thai nhi cũng phát triển tốt, giúp cuộc đẻ dễ dàng, ít tai biến, giảm được tỷ lệ tử vong cho mẹ và con.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống