Chi phí y tế “đè” người bệnh

Trung bình người dân Việt Nam chi hơn 1,7 triệu đồng/năm cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (60 tuổi, ngụ tỉnh Yên Bái) cho biết hơn 5 năm qua, bà đều vượt tuyến về thẳng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị bệnh basedow và mỡ máu. Trước đây, kể cả khi được BHYT chi trả 30% thì số tiền bà phải trả cho mỗi lần đi khám chữa bệnh mất 1,5-2 triệu đồng. Nay không được BHYT thanh toán 30% như trước thì phải tự chi trả lớn hơn nhiều.

Tại hội thảo chia sẻ những thành tựu và thách thức của hệ thống y tế Việt Nam, tổ chức sáng 25/3 ở Hà Nội, PGS. TS Hoàng Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng và y học dự phòng (Trường ĐH Y Hà Nội), cho biết trong 30 năm qua, nền y tế Việt Nam phát triển vượt bậc nhưng gánh nặng về y tế vẫn đè nặng lên vai người dân.

Nếu năm 1995, cả nước mới có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh thì năm 2013 có gần 13.600 cơ sở. Tổng số giường bệnh cũng tăng từ 192.000 (năm 1995) lên hơn 280.000 giường (2013); diện bao phủ BHYT cũng tăng mạnh nhưng số tiền chi cho y tế còn quá thấp. Thống kê năm 2012 của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy Việt Nam mới chi 85 USD/người/năm (hơn 1,7 triệu đồng) là số tiền quá thấp so với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Chi phí y tế “đè” người bệnh
Với những ca bệnh nặng, chi phí y tế nhiều lúc vượt khả năng chi trả của người bệnh dù BHYT đã chi trả một phần

Theo ông Minh, hàng triệu người dân Việt Nam đang đứng trước chi phí thảm họa về y tế và mắc phải cái bẫy nghèo đói vì bệnh tật bởi tỉ lệ các hộ gia đình phải chi trả chi phí y tế tương đối cao. Chi phí thảm họa là khi chi phí từ tiền túi lớn hơn hoặc bằng 40% tổng chi phí phải chi trả. Việt Nam có khoảng 4,2% dân số đang phải gánh chịu chi phí thảm họa và 2,5% dân số bị nghèo hóa vì không có khả năng chi trả mà phần lớn do các gánh nặng về y tế.

Trong khi đó, một tính toán khác cho thấy hiện Việt Nam có khoảng 1 triệu hộ dân rơi vào chi phí thảm họa và gần 600.000 hộ dân đã rơi vào bẫy đói nghèo do chi phí y tế. Khi chi phí từ tiền túi của hộ gia đình so với tổng chi cho y tế càng lớn thì khả năng chia sẻ rủi ro về tài chính càng ít và người nghèo càng khó tiếp cận các dịch vụ y tế; thậm chí họ phải cắt giảm các khoản cần thiết khác như lương thực, thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm, giáo dục... Các nghiên cứu cũng chỉ ra nếu chi từ tiền túi cho y tế vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho rằng việc người dân phải tự trang trải quá nhiều chi phí y tế phản ánh một nền y tế mất cân bằng, sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn giữa các nhóm dân cư.

Tỉ lệ bao phủ của BHYT tại Việt Nam đạt hơn 70% dân số. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc bảo vệ tài chính đối với đối tượng được BHYT còn rất thấp. Với mức đóng còn thấp nên có tình trạng 100 người đóng BHYT không đủ trả viện phí cho 1 người.

Ông Minh phân tích kể cả khi người dân có BHYT thì phần được chi trả chỉ chiếm một phần chi phí trực tiếp, còn các khoản chi ngoài y tế (ăn, ở, đi lại…) thì người dân phải tự chi trả.

Một số ý kiến khác cho rằng hiện nhiều cơ sở y tế vẫn áp dụng phương thức chi trả BHYT theo phí dịch vụ. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng lạm dụng kê đơn, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu nhập cho bệnh viện, cho nên người bệnh cũng phải đồng chi trả nhiều hơn.

Theo Ngọc Dung

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm