1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chết đi sống lại: Những điều cần biết về hội chứng đột tử

(Dân trí) - Karl Wiggins, một người đàn ông sống ở Texas, đã nhận được một chẩn đoán đáng ngạc nhiên, và cơ hội sống lại lần thứ hai, vào đầu năm nay sau khi ngã gục trên tay lái chiếc xe của mình. Trái tim của người đàn ông 54 tuổi đã ngừng đập, và một người dân đã gọi cấp cứu và thực hiện ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi nhân viên cấp cứu đến.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã phải khởi động lại trái tim của Wiggins nhiều lần. Khi xem các kết quả xét nghiệm của ông, các bác sĩ đã phát hiện ra Wiggins bị một tình trạng gọi là hội chứng Brugada, hay hội chứng đột tử.

Hội chứng Brugada là một rối loạn tim hiếm gặp, gây ngừng tim, và thường gây chết người. Tuy nhiên, đôi khi người bị cơn ngừng tim như Wiggins vẫn sống sót – khiến họ gia nhập “câu lạc bộ” những người có thể nói rằng mình đã “chết về mặt kỹ thuật” và đã sống lại. Dưới đây là nét cơ bản về căn bệnh không phổ biến nhưng nguy hiểm này.

Chết đi sống lại: Những điều cần biết về hội chứng đột tử - 1

Hội chứng Brugada là gì?

Hội chứng Brugada là một rối loạn di truyền gây gián đoạn nhịp tim bình thường, theo BS. Samy Claude Elayi, giảng viên tại Viện Tim Gill của Đại học Kentucky. BS. Elayi không điều trị cho Wiggins, nhưng đã từng điều trị cho hai anh em sinh đôi bị tình trạng tương tự vào năm 2015.

"Tim là khối cơ co bóp theo từng nhịp, và sự co bóp này được điều khiển bởi tín hiệu điện", BS. Elayi nói. “Trong hội chứng Brugada, một trong những kênh tín hiệu điện của tim - kênh dẫn natri và canxi - bị bất thường, có thể tạo ra những đường truyền ngắn và nhịp bất thường.”

Những nhịp bất thường này được gọi là loạn nhịp thất, và chúng ngăn không cho tim bơm máu đều đặn. Do đó, máu bị ngăn không đến được não và phần còn lại của cơ thể, có thể gây ngất, co giật, khó thở, hoặc đột tử nếu tim ngừng hoàn toàn.

Hội chứng Brugada có phổ biến không và ai có nguy cơ?

Người ta ước tính rằng hội chứng Brugada chỉ ảnh hưởng đến khoảng 5/10.000 người trên toàn thế giới, mặc dù một số chuyên gia nghi ngờ tình trạng này chưa được chẩn đoán đầy đủ và mức độ thực tế có thể cao hơn. Bệnh xảy ra ở nam giới nhiều hơn phụ nữ, với tỷ lệ khoảng 10:1.

Hội chứng Brugada lần đầu tiên được báo cáo ở một nam thanh niên gốc Á, và nó tiếp tục được tìm thấy thường xuyên hơn ở người Nhật và Đông Nam Á so với các nhóm chủng tộc hoặc dân tộc khác. "Nhưng giờ đây chúng tôi cũng biết rằng nó có thể xảy ra với bất kỳ ai", BS. Elayi nói. “Tôi cũng đã gặp người Mỹ gốc Phi và người da trắng bị hội chứng này”.

Vì hội chứng Brugada là di truyền, bất kỳ ai có người thân bị ngừng tim đột ngột hoặc chết đột ngột không rõ nguyên nhân đều muốn được xét nghiệm bệnh. Các bác sĩ đã xác định được một đột biến gen có liên quan đến nhịp tim bất thường trong hội chứng này, nhưng nó chỉ có mặt ở khoảng 40% bệnh nhân Brugada được xác nhận. "Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân về mặt di truyền, nhưng chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu và đạt những bước tiến ", BS. Elayi nói.

Hội chứng Brugada thường xảy ra khi nào?

Những bất thường ở tim trong hội chứng Brugada có thể phát triển ở bất cứ thời điểm nào trong suốt cuộc đời, và mọi người có thể biểu hiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn nhịp tim - bao gồm cả đột tử - ở bất kỳ độ tuổi nào. Những triệu chứng này thường xảy ra khi đang nghỉ ngơi hoặc ngủ, nhưng (như trường hợp của Wiggins) không phải lúc nào cũng vậy.

Ở trẻ sơ sinh, hội chứng Brugada đôi khi là nguyên nhân của hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS). Tuy nhiên, hay gặp hơn là hội chứng Brugada ở tuổi trưởng thành, và đột tử do tình trạng này thường xảy ra ở độ tuổi khoảng 40.

Hội chứng Brugada được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Một số người mắc hội chứng Brugada chỉ được chẩn đoán khi họ đột ngột bị ngừng tim, thường là quá muộn để cứu sống. Tình trạng này chỉ có thể được xác định bằng điện tâm đồ, thường chỉ được thực hiện khi người bệnh bị tim đập nhanh, khó thở, hoặc các triệu chứng khác của rối loạn nhịp tim.

Nếu bác sĩ có thể làm tim đập trở lại sau cơn ngừng tim đầu tiên, họ có thể cấy một máy khử rung tim nhỏ vào ngực của bệnh nhân. Thiết bị có thể gây sốc tim để tim đập lại nếu một cơn tương tự xảy ra trong tương lai. "Người bệnh có thể rất chóng mặt hoặc ngất xỉu trong vài giây khi tim đập bất thường của nó, nhưng sau đó sốc điện xảy ra và họ sẽ tỉnh lại ngay lập tức", BS. Elayi nói.

Mọi người cũng có thể được làm điện tâm đồ - và chẩn đoán Brugada - khi khám sức khỏe định kỳ cho mục đích bảo hiểm, hoặc sau khi một thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh tim. Nhưng một số người có thể có nhịp tim bất thường này mà không gặp bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào. Trong những trường hợp này, mục tiêu là ngăn chặn ngừng tim bằng cách tránh những yếu tố kích thích tiềm ẩn.

Những yếu tố này bao gồm một số loại thuốc, như một số thuốc chống trầm cảm và thuốc gây mê. Sốt cao cũng có thể làm gián đoạn tín hiệu điện trong tim, do đó bệnh nhân nên uống các thuốc hạ sốt không cần đơn (như acetaminophen) nếu bị ồm.

Không có cách nào chữa khỏi hội chứng Brugada, nhưng nhiều bệnh nhân có tình trạng này có thể sống bình thường, khỏe mạnh mà không bao giờ bị hoảng sợ như Wiggins. Và đối với những người đã bị và may mắn sống sót, BS. Elayi nói rằng máy khử rung tim có thể bảo vệ họ khỏi những biến chứng trong tương lai.

Cẩm Tú

Theo Health Living