Chế độ ăn giúp răng chắc khỏe
(Dân trí) - Bên cạnh chải răng đúng cách và làm sạch răng bằng chỉ nha khoa, dinh dưỡng cũng góp phần bảo vệ răng và giữ cho lợi khoẻ.
Đường - Không phải thủ phạm duy nhất
Đường mía, thường được chúng ta biết đến dưới dạng đường hạt, là nguyên nhân số một gây sâu răng nhưng không phải là thủ phạm duy nhất mà các thực phẩm chứa nhiều tinh bột như bánh mỳ và ngũ cốc cũng gây ra sâu răng.
Khi tinh bột được hòa trộn với amylaza – men phân giải tinh bột – một loại enzim có trong nước bọt sẽ tạo ra một loại axit có khả năng bào mòn men răng, khiến răng dễ bị sâu hơn. Nếu những thực phẩm này còn sót lại trong miệng thì axit sẽ có thêm thời gian để tấn công và làm hỏng men răng.
Hãy cẩn trọng khi ăn trái cây sấy khô bởi vì chúng có hàm lượng đường cao. Thậm chí cả nước trái cây không đường cũng có thể gây sâu răng do có tính axit và chứa một lượng lớn hợp chất nhóm đường.
Lượng nước bọt giảm dần trong khi chúng ta ngủ khiến miệng bị khô trong thời gian dài cũng gây sâu răng. Quên chải răng trước khi đi ngủ đặc biệt nguy hại cho răng. Một số loại thuốc nhất định như thuốc điều trị huyết áp cao cũng làm giảm lượng nước bọt.
Nhai kẹo cao su không đường kích thích tuyến nước bọt, giúp giảm axit trong miệng và đánh bật mảng bám trên răng. Súc miệng và chải răng sau khi ăn là hai biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh sâu răng.
Ngoài ra, tráng miệng bằng phô mai giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng.
Trái cây tươi, đặc biệt là táo, mặc dù vừa ngọt lại vừa có tính axit nhưng lại có ít khả năng gây sâu răng nhất bởi vì hoạt động nhai kích thích tuyến nước bọt sản xuất nhiều hơn giúp giảm độ axit trong miệng và rửa trôi các mảng bám trên răng. Chính vì thế, táo được mệnh danh là bàn chải răng tự nhiên.
Thiếu hụt dinh dưỡng dẫn tới các bệnh về lợi
Răng thường bị rụng do các bệnh về lợi nhiều hơn là do sâu răng. Bệnh viêm lợi dễ dàng tấn công những người phớt lờ vệ sinh răng miệng hoặc ăn uống thiếu chất. Đặc biệt là những người sử dụng đồ uống có cồn, suy dinh dưỡng, hoặc có HIV; những người đang được điều trị bằng thuốc có chứa steroid hoặc hóa liệu pháp làm chậm quá trình liền xương gẫy ở bệnh nhân ung thư.
Viêm lợi, một bệnh phổ biến với biểu hiện lợi sưng, đỏ và chảy máu. Nguyên nhân chủ yếu là do sự hình thành của các mảng bám trên răng. Điều trị bệnh viêm lợi đòi hỏi một chế độ vệ sinh răng miệng tốt và thường xuyên đi lấy cao răng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm lợi có thể phát triển thành bệnh viêm quanh răng - một dạng nhiễm trùng lợi nghiêm trọng khiến răng lung lay và rụng.
Thậm chí bệnh viêm lợi còn để lại những hậu quả tồi tệ hơn. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng kém với bệnh tim. Lợi chảy máu mở đường cho các loại vi khuẩn hoặc virus gây ra các vấn đề về tim mạch. Phụ nữ mắc các bệnh về răng lợi còn có nguy cơ đẻ non.
Lợi chảy máu là dấu hiệu thiếu vitamin C. Hãy ăn nhiều hoa quả tươi và rau xanh mỗi ngày. Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như cần tây hoặc cà rốt giúp lợi khỏe.
Ngọc Dung
Theo Worldental