"Cháy" vắc-xin chủng ngừa, thủy đậu tung hoành cùng dịch sởi

(Dân trí) - Thừa nhận vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu “cháy” hàng từ cuối năm 2013, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết cuộc chiến phòng chống thủy đậu đang gặp khó khăn. Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn đã phải nhập viện vì bị thủy đậu tấn công.

Nguy kịch vì không được chủng ngừa

Ngày 19/4, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhi gặp biến chứng vì mắc thủy đậu bẩm sinh. Bệnh nhi là bé Nguyễn Trần Gia H. (15 ngày tuổi, ngụ tại Gò Dầu, Tây Ninh). Theo thông tin từ gia đình được biết, hai ngày trước khi vượt cạn, chị Trần Thị L. (24 tuổi) có biểu hiện sốt, nổi bóng nước. Sau khi sinh tại bệnh viện huyện Củ Chi, TPHCM bác sĩ làm xét nghiệm kiểm tra và kết luận sản phụ mắc thủy đậu. Hơn một tuần sau chị L. được điều trị hết bệnh, hai mẹ con xuất viện.

Bệnh nhi mắc thủy đậu bẩm sinh gặp biến chứng điều trị tại Nhi Đồng 1
Bệnh nhi mắc thủy đậu bẩm sinh gặp biến chứng điều trị tại Nhi Đồng 1

Ngày thứ 12 sau khi chào đời, bé Gia H. có biểu hiện sốt, bỏ bú, phát ban trên người. Bệnh diễn tiến “cấp tính” bởi chỉ hơn một ngày cơ thể cháu đã nổi đầy bóng nước. Sau khi thăm khám, bệnh viện địa phương chuyển thẳng bé Gia H. tới bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại khoa Nhiễm, bác sĩ xác định bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi nên tiến hành hỗ trợ hô hấp và điều trị tích cực. Khai thác bệnh sử từ người nhà ghi nhận, trước khi mang thai người mẹ đã không được chích vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu.

Ngày 21/4, khoa Nhiễm B, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cũng đang điều trị cho một trường hợp tương tự. Bệnh nhân là chị P.T.H. (31 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) mang thai ở tuần 32. Nằm trên giường bệnh, chị cho biết, trước đó đứa con 5 tuổi của vợ chồng chị đi học thì bị nhiễm bệnh ở trường.

Là người chăm sóc con nên chị H. thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh. “Ít ngày sau khi bé hết bệnh, tôi bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, đau mỏi người, đi mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 3, thấy trên người bắt đầu nổi bóng nước, tôi vội vàng đến bệnh viện thì được bác sĩ thăm khám và kết luận mắc thủy đậu.” Sau một tuần được điều trị tại bệnh viện bệnh Nhiệt Đới, bệnh tình của chị H. dần thuyên giảm. Bên cạnh nỗi lo cho đứa trong bụng, chị H. cảm thấy hối hận vì trước khi mang thai chị chưa chích vắc-xin ngừa thủy đậu.

Chống dịch sởi đừng “lơ là” bệnh thủy đậu

Bên cạnh dịch sởi đang hoành hành dữ dội, thủy đậu cũng là bệnh truyền nhiễm cần lưu tâm. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, tính đến tháng 4/2013, toàn thành phố đã có 369 trường hợp mắc bệnh tăng 220% so với cùng kỳ năm 2013 (115 ca). Khoảng 90% trường hợp mắc bệnh là trẻ em điều trị chủ yếu tại Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2.

Mầm bệnh thủy đậu đang lưu hành trong cộng đồng, ngoài đối tượng chính là trẻ em, thủy đậu cũng tấn công khiến nhiều người lớn phải nhập viện. Theo thống kê của phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, tính đến ngày 21/4 bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 261 bệnh nhân mắc thủy đậu (bao gồm bệnh nhân tại TPHCM và các tỉnh lân cận), tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái (141 ca). Tính riêng trong ngày 21/4 có 13 trường hợp bệnh nhân người lớn mắc thủy đậu đang điều trị nội trú.

Bệnh nhân thủy đậu điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
Bệnh nhân thủy đậu điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết: “Bệnh thủy đậu tăng lên rất nhiều từ tháng 3 và đang có xu hướng giảm nhẹ. Kiểm soát dịch bệnh thủy đậu gặp nhiều trở ngại do không có vắc-xin phòng bệnh từ cuối năm 2013”.

Theo phân tích của các bác sĩ, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh thủy đậu là sử dụng vắc-xin chủng ngừa. Tuy nhiên, trên thực tế khoảng 1 năm qua, loại vắc-xin này đã khan hiếm và “cháy” hàng nên cả người dân và ngành Y tế Dự phòng rơi vào tình thế “tay không phòng bệnh”. Vắc-xin ngừa thủy đậu không được cung cấp liên tục đang “tiếp tay” cho bệnh thủy đậu quay trở lại và gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Thủy đậu đang “sát cánh” cùng dịch sởi dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
 

ThS.BS Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, thường xuất hiện theo mùa trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành chủ yếu bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh, thời gian ủ bệnh khoảng 2 tuần. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, nổi bóng nước (nổi sớm ở vùng mặt, ngực, lưng sau đó lan rộng) kích cỡ như hạt đậu. Số lượng bóng nước trên cơ thể người bệnh nổi cang nhiều, bệnh càng nặng.”

 

“Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng người bệnh như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm màng não… Những người có tình trạng suy giảm miễn dịch nếu mắc thủy đậu nguy cơ biến chứng càng tăng cao; phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có thể khiến thai nhi bị dị tật hoặc gây bệnh thủy đậu bẩm sinh cho trẻ.”

 

Cũng theo BS Bửu Châu: Bệnh thủy đậu ở thể nhẹ không cần thiết phải nhập viện, người bệnh có thể điều trị và theo dõi tại các tuyến y tế cơ sở, bệnh thường thuyên giảm sau một tuần. Những trường hợp bệnh có biểu hiện nặng bệnh nhân cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, đánh giá và tư vấn.

Vân Sơn - Ngọc Nhung