Vắc xin thủy đậu: Đã nhập khẩu về nhưng còn phải chờ!
(Dân trí) - Dù hiện dịch thủy đậy đang có xu hướng lan rộng và 20.000 liều vắc xin thủy đậu đã về Việt Nam nhưng người dân có nhu cầu tiêm phòng vẫn phải đợi vắc xin này.
Chị Vũ Hải (Thanh Xuân, Hà Đông) cho biết, khi con của cô em dâu xuất hiện nốt phỏng dạ đầu tiên, chị vội vàng cho con ra điểm tiêm chủng dịch vụ tại quận Hà Đông để tiêm phòng cho con, nhưng tại đây dán thông báo hết vắc xin thủy đậu. Chia sẻ với nhiều đồng nghiệp, mọi người đều nói cho con đi tiêm tại các phòng tiêm đều được thông báo phải đợi. Vậy là o sợ con bị lây, chị đã phải xin nghỉ việc, cùng con về bà ngoại cách ly 1 tuần liền.
Tại khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trẻ đến khám vì thủy đậu. Nhiều bà mẹ cũng phàn nàn, thấy có hiện tượng nhiều trẻ ở lớp bị thủy đậu, gia đình muốn đưa con đi tiêm phòng nhưng đến phòng tiêm nào cũng treo biển hết vắc xin thủy đậu.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thừa nhận có hiện tượng “cháy” vắc xin thủy đậu trên thị trường. Bởi vắc xin thủy đậu không giống như 11 vắc xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia như vắc xin bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não..., hàng năm được Bộ Y tế chủ động dự trù theo kế hoạch và cung ứng miễn phí cho trẻ em trên toàn quốc, vắc xin phòng bệnh thủy đậu là vắc xin được cung cấp theo nhu cầu của thị trường. Vì theo nhu cầu của thị trường, nên việc đảm bảo cung ứng vắc xin này do dự trù của các cơ sở tiêm phòng dịch vụ, cơ sở khám bệnh và chữa bệnh theo nhu cầu thị trường để đặt hàng các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu vắc xin cung ứng. Tuy nhiên bệnh thủy đậu đôi khi diễn biến thất thường dẫn đến việc dự trù của các cơ sở kinh doanh chưa sát với thực tế gây khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng vắc xin như thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, do tình trạng dịch thủy đậu diễn biến bất thường, nhu cầu tiêm vắc xin thủy đậu tăng cao đột biến trong thời gian qua dẫn đến “cháy” vắc xin thủy đậu tại nhiều địa phương, nhiều phòng tiêm chủng đều đã hết sạch vắc xin thủy đậu.
Trước tình trạng “cháy” vắc xin thủy đậu, Cục Quản lý Dược đã cho phép nhập khẩu khẩn cấp 77.800 liều vắc xin thủy đậu theo hình thức giấy phép nhập khẩu chưa có số đăng ký. Đây là biện pháp trong trường hợp khẩn cấp để đảm đảm cung ứng thuốc khi có dịch bệnh diễn biến phức tạp và các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu nắm bắt nhu cầu sử dụng, tìm được nguồn cung ứng thì Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) xem xét cho nhập khẩu khẩn cấp theo quy định. Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng đã yêu cầu Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế ưu tiên kiểm định sớm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng các vắc xin nhập về.
Ông Đạt cho biết thêm, hiện tại, 77.800 liều vắc xin thủy đậu trên hiện đang được nhà sản xuất khẩn trương kiểm tra chặt chẽ chất lượng và an toàn trước khi xuất xưởng và khi về Việt Nam phải được Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm định theo quy định.
“Hiện nay, đã 20.000 liều vắc xin thủy đậu có số đăng ký đã được nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, vắc xin không giống như thuốc tân dược (khi nhập khẩu về có thể lưu hành và cung ứng ngay cho bệnh nhân), vắc xin sau khi nhập khẩu phải mất khoảng thời gian kiểm định về độ an toàn trên động vật thí nghiệm và một số trường hợp kiểm định tính sinh miễn dịch nên thời gian từ khi nhập khẩu đến khi lưu hành, cung cấp cho thị trường sẽ dài hơn. Số vắc xin này đang được Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế đang khẩn trương kiểm định chất lượng từng lô thuốc để đảm bảo an toàn, hiệu quả trước khi sử dụng và dự kiến sẽ được phân phối đến các cơ sở tiêm chủng để phục vụ nhu cầu phòng chữa bệnh của nhân dân trong thời gian tới.
Liên quan đến diễn biến bệnh cúm A (H7N9), sởi, rubella...có thể phát sinh nhu cầu lớn và đột xuất vắc xin phòng bệnh, Cục Quản lý dược đã phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Y tế như Cục Y tế dự phòng cung cấp thông tin cập nhật về cập nhật và dự báo diễn biến bệnh và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cập nhât hướng dẫn điều trị và nhu cầu thuốc phục vụ điều trị, phòng bệnh. Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo và thông tin cho các doanh nghiệp để chủ động đặt hàng cung ứng cho thị trường. Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) hỗ trợ các doanh nghiệp các thủ tục để đảm bảo nhập khẩu các sản phẩm vắc xin có chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Tú Anh