1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Cháy tận xương” khi câu cá dưới đường điện cao thế

Anh Nguyễn Văn C. (29 tuổi, ngụ Trảng Bom, Đồng Nai) được đưa vào BVĐK Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng khắp cơ thể, mạch và huyết áp bằng 0.

Theo người nhà, anh C. câu cá dưới đường dây điện cao thế, khi đưa cần lên cao thì vô tình chạm phải đường điện.

Nhận thấy tình trạng nguy kịch, bệnh nhân đã được chuyển lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM).

Các bác sĩ (BS) cho hay, anh C. bị bỏng cấp độ 3, 4. Do bỏng sâu tận xương nên cơ bị cháy, làm tắt ống thận, gây suy thận cấp, vỡ hồng cầu, mất nước…Và anh này đã tử vong sau đó.

Câu cá dưới đường điện cao thế rất dễ gặp nguy hiểm. Ảnh NLĐ
Câu cá dưới đường điện cao thế rất dễ gặp nguy hiểm. Ảnh NLĐ

Cũng bị nạn khi câu cá dưới đường dây điện là anh Lê Hùng M. (37 tuổi, ngụ Hòa Thành, Tây Ninh).

Anh M. cho hay, khi biết con rạch ở gần cầu Gò Chai nước rút, cá đổ về nhiều nên anh mang cần ra câu. Đoạn anh này đứng, nước ngập tới đầu gối.

Được chừng 30 phút, khi vung cần thì nghe tiếng nổ mạnh rồi anh M. bị ngã úp mặt xuống nước, cánh tay phải gần như tê liệt.

Dù vẫn khá tỉnh táo nhưng dòng điện chạy khắp người khiến anh không thể xoay người lên khỏi mặt nước. Anh M. cố dùng tay trái vùng vẫy cầu cứu giúp đỡ.

Người đi đường khi phát hiện sự việc đã nhanh chóng đưa người đàn ông 37 tuổi đi cấp cứu.

BS Trương Thế Hiệp - Phó trưởng Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy lý giải, khi thấy cá đã cắn câu nên anh M. giật mạnh khiến sợi dây cước văng lên đường dây điện gây phóng điện.

Cần câu bị áp lực điện nên nổ tan tành, khiến tay phải (cầm cần câu) bị tét sâu, hoại tử nhóm gân gấp cổ tay, mất chức năng gập, nắm.

Hiện anh này đang được theo dõi, khi sức khỏe ổn định, BS sẽ phải sử dụng phương pháp chuyển vạt da vi phẫu thuật để cải thiện chức năng.

Dễ mất mạng khi câu cá dưới đường dây điện

BS Hiệp cho hay, bỏng điện có 2 loại, một là bỏng dòng điện, hai là bỏng tia lửa điện.

Bỏng tia lửa điện là khi có sự cố điện sẽ phát lửa, nhiệt độ phát ra rất cao nhưng thông thường tia lửa điện phát ra nhanh tắt nên hầu hết chỉ gây bỏng nông.

Còn với bỏng dòng điện là dòng điện chạy qua cơ thể, điện đi đến đâu thì sẽ gây ra mất nước, sốc, hoại tử cơ, gân, suy thận, nhiễm trùng máu…dẫn tới tử vong.

Người đàn ông câu cá ở Q.2 (TP.HCM) tử vong khi câu cá dưới đường dây điện
Người đàn ông câu cá ở Q.2 (TP.HCM) tử vong khi câu cá dưới đường dây điện

BS Hiệp khuyến cáo những ai đi câu cá nên quan sát trước khu vực câu của mình có đường dây điện hay không, nhất là đường điện cao thế, nếu có thì lập tức chuyển sang nơi khác.

Khi cần câu vô tình đi vào vùng từ trường của dây điện cao thế (chưa chạm vào dây) cũng gây phóng điện, nguy hiểm đến tính mạng.

Khi sự cố xảy ra, người phát hiện phải ngắt ngay dòng điện tại đó (các công tắc ở cột điện), nếu không phát hiện ra công tắc, thì tùy vào khu vực, quan sát sự cố, người đến cứu lập tức phải có những xử lý phù hợp.

Và quan trọng nhất là phải đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi xảy ra tai nạn đến nơi sạch sẽ để tránh nhiễm trùng và phân tỏa điện trong người.

Trường hợp nạn nhân bất tỉnh thì nên hô hấp nhân tạo, ấn tim, nẹp xương (nếu gẫy xương)..... và đưa đến trung tâm y tế gần nhất.

Tuyệt đối không tạt nước vào nạn nhân, vì nước truyền điện rất tốt, vô tình khiến điện trong người tăng cao, hoặc nước không sạch sẽ dẫn đến nhiễm trùng, suy hô hấp....

Trong mùa mưa thì người dân không nên đi câu cá, vì lúc này chiếc cần câu vô tình trở thành cột thu lôi, mưa giông sẽ rất nguy hiểm để tính mạng.

"Người câu cũng không nên đứng dưới nước vì khi điện giật nước sẽ tăng cao cường độ điện. Ngất xỉu dưới nước cũng dẫn đến tình trạng ngạt thở nếu té úp mặt xuống nước, không ai phát hiện dẫn tới tử vong" – BS Hiệp nhận định.

Theo Văn Đức

Vietnamnet