Chảy dãi khi ngủ có thể là dấu hiệu hậu Covid-19 nguy hiểm
(Dân trí) - Phổi được xem là "trận địa" chính của Covid-19 khi tấn công vào cơ thể người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tim cũng là một cơ quan trọng yếu dễ bị tổn thương bởi căn bệnh này.
Virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể qua đường hô hấp, phổi. SARS-CoV-2 sẽ bám vào thụ thể men chuyển tên là angiotensin 2 (ACE2) để đột nhập vào tế bào của vật chủ và gây ra hàng loạt sự cố.
Trong cơ thể, có 3 cơ quan nhiều thụ thể ACE2 nhất, đó là đường hô hấp, tim và mạch máu. Vì vậy, những người mắc Covid-19 không chỉ bị tấn công đường hô hấp mà còn cả tim và mạch máu.
Sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 là gây tổn thương dưới dạng gây viêm. Chính hiện tượng viêm mạch máu do SARS-CoV-2 sẽ làm hư hại nội mạc mạch máu (lớp lót trong lòng mạch). Đó là điểm xuất phát để kêu gọi hình thành con đường đông máu, tạo huyết khối, đặc biệt là sự hình thành vi huyết khối ở vi mạch phổi và vi mạch vành.
Điều đáng lo ngại là tình trạng viêm, tăng đông không kết thúc ngay sau khi sạch virus mà nó vẫn sẽ tiếp tục tiến triển vài tuần, vài tháng ở một số người và gây ra hội chứng tim mạch hậu Covid-19. Do đó, F0 đã khỏi bệnh cũng không được chủ quan cho dù mắc triệu chứng nhẹ.
Huyết khối mạch máu cũng là một trong những biến chứng "hậu Covid-19" nguy hiểm nhất được ghi nhận.
Các mạch máu trong cơ thể giống như một "mạng lưới giao thông" trải dài theo mọi hướng, phân bố ở mọi ngóc ngách của cơ thể. Mạch máu là cơ quan vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy quan trọng, một khi bị tổn thương sẽ gây ra các bệnh tim mạch, thậm chí dẫn đến tổn thương mô não trong những trường hợp nặng.
Vì vậy, bạn càng phải chú ý đến những thay đổi của cơ thể, một khi có vấn đề về huyết khối, cơ thể sẽ có những biểu hiện bất thường và nó sẽ phát ra những tín hiệu ngay cả khi chúng ta ngủ.
Tỉnh giấc giữa đêm
Một khi trong mạch máu xuất hiện những tổn thương mạch máu hoặc huyết khối sẽ dẫn đến tình trạng máu lưu thông kém. Việc không đủ oxy cung cấp đến tim gây ảnh hưởng sức khỏe hô hấp, sau đó sẽ khiến người bệnh tỉnh giấc đột ngột trong khi ngủ.
Tê bì toàn thân
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy tê bì chân tay, nhất là khi đi ngủ, luôn cảm thấy tê bì rõ rệt một bên tay, chân thì có thể liên quan đến cục máu đông.
Trong trường hợp này, quá trình lưu thông máu sẽ bị tắc nghẽn gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tê bì cơ thể. Các chuyên gia khuyến cáo khi phát hiện tình trạng này, tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám, để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Tay chân lạnh
Không ít phụ nữ rất dễ gặp phải tình trạng khó chịu như tay chân lạnh khi nhiệt độ xuống thấp hoặc khi hành kinh.
Tuy nhiên, tình trạng tay chân lạnh trong lúc ngủ và ngay sau khi thức giấc kéo dài và không rõ nguyên do hoàn toàn không được chủ quan.
Nói một cách đơn giản, tay chân là bộ phận tận cùng của cơ thể con người, một khi có vấn đề huyết khối trong mạch máu sẽ dễ dẫn đến tình trạng máu lưu thông kém. Kết quả là máu không đủ cung cấp cho các bộ phận ở tận cùng này, do đó dẫn đến tình trạng tay chân lạnh.
Chảy nước dãi
Nhiều người gặp phải tình trạng chảy nước dãi khi ngủ. Nếu việc này chỉ thỉnh thoảng xảy ra thì không cần quá lo lắng, nhưng nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên thì cần nghĩ đến có liên quan đến bệnh lý.
Hầu hết bệnh nhân có huyết khối sẽ thường xuyên chảy nước dãi khi ngủ, thậm chí có những vấn đề khác như méo miệng sau khi thức dậy vào buổi sáng. Những biểu hiện bất lợi này có thể liên quan đến tắc nghẽn mạch máu .
Đối với những người trung niên và cao tuổi thì chúng ta càng phải chú ý đến việc bảo vệ mạch máu, chỉ có như vậy mới có thể ngăn ngừa được bệnh huyết khối. Ngoài ra chúng ta nên chú ý hơn đến chế độ ăn uống và luyện tập, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tránh xa được tác hại của bệnh tim mạch.