Chất lượng thịt tươi sống: Khủng khiếp!

Công bố của Chi cục Thú y TP HCM: trong 334 mẫu thịt tươi đang bày bán tại chợ, phát hiện có tới 52 mẫu dương tính với Salbutamol (trong số 18 chất kích thích tăng trưởng bị cấm) và 33 mẫu có Dexametazon- thuộc nhóm corticoid giữ nước trong heo.

Bên cạnh đó, dịch lở mồm long móng và cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát, đồng thời nguy cơ gia súc bệnh bị giết mổ lậu rồi tuồn vào các thành phố lớn tiêu thụ là rất "dồi dào"...

 

Mua bán, giết mổ: Thấy mà ghê

 

Trò chuyện với bà Trần Thị Chói, người Bến Tre, chuyên "đánh" heo từ các tỉnh miền Tây bỏ mối cho các lò mổ "ẩn"" ở Long An, Đồng Nai... được biết: heo được các ""lái nhỏ" thu gom từ các hộ dân ở các xã, huyện thuộc các tỉnh lân cận tập trung về một mối. Bất kể heo bệnh hay mạnh đều được nhốt chung chuồng (khoảng 1 tuần) và vận chuyển cùng xe giao cho các lò. Vì vậy, việc chúng có bị lây nhiễm hay không chỉ có... "chủ lò mới biết?!"

 

Còn anh Vũ Thế Bình, người Quảng Trị, chuyện lái trâu, bò từ các tỉnh miền Bắc bỏ mối cho lò mổ ở huyện Đức Hòa (Long An) "bật mí", trong thời gian vận chuyển 2 ngày đường, các con vật (trâu, bò) bị xích mỏ lên nóc xe để khỏi nằm và đạp lên nhau, không ăn uống. Nếu con nào chịu "không xiết" mà "tử nạn" thì tìm chỗ thích hợp dừng xe và "xử lý giết mổ tại chỗ". Còn con nào khỏe mạnh về đến lò là được coi như "đảm bảo an toàn vệ sinh không bệnh tật (?)".

 

Theo ông Lý Minh Tâm, phó Trạm Kiểm dịch - phòng chống dịch thuộc Chi cục Thú y TPHCM thì, ngay cả gia súc, gia cầm không bệnh tật nhưng nếu người chăn nuôi cho ăn chất mặn để chúng uống nhiều nước, hoặc chích chất corticoid để giữ nước, bơm cả nước và cát vào bụng của chúng làm tăng trọng ảo... đều có thể gây ra nguy cơ không an toàn từ khi thú còn sống.

 

Khi súc vật được "tập kết" về lò trước khi giết mổ, thường chúng bị nhốt chung vào một nơi, bất kể chúng có bệnh hay không, không hề được tắm và nghỉ ngơi để tiêu độc sát trùng trước khi thịt.

 

Để "tăng năng suất", nhiều lò đã trụng nước đang sôi để làm lông khi con vật còn chưa chết hẳn, khiến nước bẩn có cơ hội lọt vào tim, phổi (do con vật ngộp thở, uống vào) lan ra các mạch gây nhiễm bẩn.

 

Thậm chí, có nơi còn áp dụng "ba không": không thay nước trụng (hoặc rất ít), không tách biệt các khâu từ dơ đến sạch, giết mổ ngay dưới nền xi măng (thịt và lòng tách ra dính cả lông lẫn phân súc vật) và không rửa thịt vì sợ bị biến màu (màu tái)...

 

Thịt an toàn, chất lượng: Không dễ chọn!

 

Ông Văn Đức Mười, Phó GĐ Cty Vissan cho biết, người tiêu dùng (NTD) nên mua thịt sạch ở những nơi có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng.

 

Heo khỏe mạnh thịt có màu hồng, bề mặt khô ráo, không nhão, có độ đàn hồi, mỡ trong có màu trắng. Còn heo bệnh thường có thịt nhão, rỉ nhớt, có màu khác thường, ấn tay vào kiểm tra nếu thịt cứng hay nhão quá là loại xấu, nếu thịt heo mổ để quá lâu sẽ có màu trắng nhợt...

 

Mua thịt heo phải xem dấu thú y, không mua thịt ở quầy sạp dưới sàn chợ có lót giấy, hoặc các quầy thịt bằng gỗ mà phải bằng inox gạch men... Với thịt trâu thì có thớ to, màu đỏ pha đen, trong khi thịt bò thì có thớ nhuyễn, màu đỏ.

 

Tuy nhiên, các lò có thể "biến" thịt trâu thành thịt bò bằng "chiêu" nhuộm thịt. Song, có thể phân biệt bằng cách dùng giấy gói để kiểm tra, nếu là thịt bò thì chúng sẽ không dính vào giấy, còn thịt trâu thì sẽ bị dính...

 

Để đảm bảo an toàn và có thể khiếu nại khi gặp phải thịt "có vấn đề", NTD nên mua thịt ở các điểm bán cố định có uy tín. Tuy nhiên, Chi cục Thú y cũng từng phát hiện một cơ sở có thương hiệu trộn thịt không rõ nguồn gốc để bán ra.

 

Nhiều NTD cho rằng, trong thời gian dịch bệnh này sử dụng thức ăn chế biến sẵn (đồ hộp) để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, các loại thức ăn này lại thiếu hụt các vitamin như B6, B12... và chất xơ.

 

Theo Chu Bảo Trinh

Tiếp thị & Tiêu dùng