Chất lượng nước đóng bình bị thả nổi

Hiện nhu cầu sử dụng nước tinh khiết đóng bình của người dân ngày càng cao và cùng với đó là tình trạng khó kiểm soát thị trường cung ứng nước tại Hà Nội. Điều này có thể ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng (NTD).

 

Cửa hàng kinh doanh nước không biển hiệu tại ngõ 326 Khương Đình (quận Thanh Xuân)

Cửa hàng kinh doanh nước không biển hiệu tại ngõ 326 Khương Đình (quận Thanh Xuân)
 

Bùng nổ thị trường nước tinh khiết

 

Hiện trên thị trường nước tinh khiết trên địa bàn thủ đô có sự hiện diện sản phẩm của khoảng 20 hãng. Ngoài những hãng nước có tên tuổi từ lâu: Lavie, Aquafina... là một số hãng nước mới như: Aquataly, Petanls, Wami...

 

Được chào hàng bởi công nghệ Mỹ, chủ cửa hàng sản xuất kiêm đại lý cung cấp nước tinh khiết đóng bình hãng Aquataly nằm sâu trong ngõ Hoàng Mai (quận Hai Bà Trưng) quả quyết: “Nước sạch, công nghệ ngoại nhập, đảm bảo khách hàng sẽ rất ưa chuộng. Giá rẻ thôi, bán lẻ là 18.000 đồng/bình. Đổ buôn thì chỉ 13.000 đồng thôi”. Chúng tôi vờ kêu giá cao, chủ hàng liền tiếp lời: “Giá vậy thôi, chứ bọn anh có đủ cả: Loại 10.000 đồng cũng có, nhưng chỉ là máy lọc rẻ tiền rồi gắn mác thôi”. Nói rồi, ông chủ chìa cho tôi xem một mớ mác làm sẵn, chỉ đợi dán lên bình.

 

Tìm đến một cơ sở khác nằm sâu trong con ngõ 336 Nguyễn Trãi, chúng tôi tiếp xúc với ông chủ, kiêm nhân viên giao hàng của Win water - một hãng nước mới xuất hiện mà theo giới thiệu của ông chủ “nước do Trường ĐH Bách khoa nghiên cứu, rất đảm bảo và tinh khiết 100%”. Tuy nhiên, một bình nước 20l mà giá chỉ 9.000 đồng, khiến chúng tôi không khỏi giật mình.

 

Có đủ tiêu chuẩn an toàn?

 

Qua tìm hiểu của PV, các cơ sở sản xuất nước nhỏ, lẻ trên địa bản thủ đô hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, từ nhân lực (ông chủ kiêm nhân viên), cơ sở vật chất (nơi sản xuất, bày bán nước, bày bán gas). Thậm chí, nhiều cửa hàng còn sản xuất trong điều kiện ô nhiễm và hầu hết cửa hàng không có biển hiệu, hoặc biển hiệu nhếch nhác, tạm bợ. Trên thực tế, theo một sơ sở kinh doanh nước lâu năm, thì giá bán 10.000 đồng/bình/19l sẽ chỉ có lỗ mà không lãi, hoặc nước trong bình không được xử lý đảm bảo?

 

Theo Sở Y tế, các cơ sở sản xuất nước đóng chai ngoài việc đảm bảo đúng quy trình công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất nước uống của Bộ Y tế còn phải tự kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm định kỳ tại Trung tâm Y tế dự phòng. Cụ thể, nguồn nước đầu vào để sản xuất phải là nước ngầm hoặc nước máy đã được xử lý đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

 

Sau khi qua các bộ phận lọc thô, lọc bằng than hoạt tính..., nước đóng chai phải được diệt khuẩn bằng tia cực tím. Trong khi đó, qua phản ánh của người dân, nhiều trường hợp bình nước mua về uống, chỉ được mấy ngày sau, cặn bẩn vẩn lên từ đáy bình, tuy nhiên, khi mang ra cơ sở sản xuất thì các cơ sở này không nhận trách nhiệm và đổ lỗi do người dùng không biết bảo quản (?!).

 

Mặc dù quy định rõ, nước tinh khiết phải đáp ứng trên 40 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh... tuy nhiên, với việc đầu tư những loại thiết bị rẻ tiền, đa phần nước tinh khiết được sản xuất hiện nay chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm.

 

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm ĐH Bách khoa Hà Nội) lưu ý: “Không nên lạm dụng nước tinh khiết, bởi khi nước qua xử lý các công đoạn lọc, tẩy trùng, diệt khuẩn, đồng thời cũng loại bỏ các khoáng chất như sắt, canxi, kẽm... vốn có trong thiên nhiên, nếu dùng kéo dài sẽ gây hiện tượng thiếu khoáng chất với cơ thể”.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, khuyến cáo, NTD nên tự bảo vệ mình bên cạnh sự quản lý của cơ quan chức năng, bằng cách lựa chọn những nhãn hiệu có tiếng hoặc dùng quen để tránh rủi ro đáng tiếc. Hội cũng sẽ chung tay với NTD, góp phần đẩy lùi hàng kém chất lượng khỏi thị trường.

 

Theo Nguyễn Vũ

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm