Chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở: Bác sĩ hỏi ít, thực hành... lười
Còn một tỷ lệ đáng kể bác sĩ chưa chẩn đoán đúng các bệnh cơ bản, đặc biệt có bác sĩ kê đơn gây hại sức khoẻ bệnh nhân. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) về chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở vừa công bố ngày 9.12.
3% bác sĩ chẩn đoán đúng 5 bệnh
Nghiên cứu chất lượng và công bằng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2015 tại 78 bệnh viện huyện (phỏng vấn 749 bác sĩ) và 246 trạm y tế xã (phỏng vấn 251 bác sĩ/y sĩ) tại 6 tỉnh thành đại diện các vùng miền. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các câu hỏi và quan sát chẩn đoán, điều trị, kê đơn của các bác sĩ tuyến huyện, xã về 5 bệnh cơ bản thường gặp như tiêu chảy trẻ em, viêm phổi trẻ em, lao, tiểu đường týp 2, tăng huyết áp.
Bác sĩ tuyến xã khám và tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh minh hoạ: Khám lao tại Trạm Y tế xã Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình). Ảnh: Diệu Linh
Ngày 5.12 vừa qua, Chính phủ vừa phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Do đó, thời gian tới Bộ Y tế sẽ chú trọng đầu tư phát triển nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế cơ sở để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, chất lượng...”.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn
Kết quả, kiến thức của bác sĩ tuyến cơ sở vẫn còn nhiều khoảng trống. Tỷ lệ câu hỏi mà bác sĩ hỏi bệnh nhân và câu hỏi cần phải hỏi để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác hơn chỉ đạt xấp xỉ 50%. Cụ thể, bệnh tăng huyết áp bác sĩ chỉ hỏi bệnh nhân 3 câu/8 câu cần hỏi, đái tháo đường 3/8 câu, lao 5/13 câu, viêm phổi 1/3 câu, tiêu chảy 5/11 câu.
Tương tự, số nội dung khám lâm sàng mà bác sĩ dự định khám (đã chỉ định khám) cho bệnh nhân cũng chưa đạt một nửa nội dung cần khám. Cụ thể, tăng huyết áp 4/7 nội dung cần khám, đái tháo đường 4/7, lao 3/9, viêm phổi 4/8, tiêu chảy 4/7. “Bệnh nhân bị tăng huyết áp mà bác sĩ chỉ hỏi có đau đầu không, bệnh nhân lao phổi chỉ hỏi ho không mà không hỏi về tính chất đờm, tình trạng khó thở, đau ngực, đái tháo đường thì không hỏi các triệu chứng liên quan đến tai biến và các yếu tố nguy cơ…” - ông Khương Anh Tuấn – Viện phó Viện Chiến lược và chính sách y tế lý giải.
Kiến thức còn thiếu, khám lâm sàng chưa đầy đủ khiến kết quả khám bệnh cũng “liên đới”. Nghiên cứu cho thấy, dù 5 bệnh nói trên là bệnh cơ bản, thường gặp nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể các bác sĩ chẩn đoán sai. Cụ thể, bệnh tăng huyết áp độ 1 tỷ lệ chẩn đoán sai là 19%, đái tháo đường týp 2 là 14%, tiêu chảy trẻ em 12%, lao 9%, viêm phổi trẻ em 3%. Tỷ lệ chẩn đoán đúng khá cao nhưng vẫn còn nhiều bác sĩ chỉ chẩn đoán đúng một phần về bệnh lý. Đặc biệt bệnh tiêu chảy trẻ em chỉ có 6% chẩn đoán đúng hoàn toàn, 81% đúng một phần.
Theo ông Tuấn, đáng cảnh báo chính là tỷ lệ các bác sĩ chẩn đoán đúng thì cao nhưng không chắc đưa ra chỉ định điều trị đúng. Đặc biệt với bệnh viêm phổi trẻ em có đến gần 48% bác sĩ đưa ra điều trị chưa đúng (tỷ lệ này ở xã và huyện là tương đương) dù tỷ lệ chẩn đoán đúng tới 96-97%. Tỷ lệ bác sĩ đưa ra các chỉ định thuốc gây hại ở nhóm viêm phổi trẻ em cũng rất cao, tới gần 70%; còn đối với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cùng từ 34-47%. “Cụ thể, các bác sĩ cả hai tuyến đều kê đơn quá nhiều thuốc có chứa corticoid gây hại cho sức khoẻ của trẻ. Hoặc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, bác sĩ hay kê nhiều thuốc chồng chéo và có các dụng phụ gây hại” – ông Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nhận định về điều này, chuyên gia nhi khoa, TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thuốc chứa corticod có tác dụng giúp trẻ đỡ các triệu chứng khò khè, khó thở. Tuy nhiên đây là thuốc có nhiều tác dụng phụ, cần hạn chế kê đơn. Thuốc chứa coticoid khiến cho sức đề kháng của trẻ bị suy sụp trong khi “vũ khí” chống chọi lại bệnh viêm phổi mạnh mẽ nhất là sức đề kháng. Khi đó trẻ sẽ lâu khỏi bệnh hoặc hay tái phát bệnh. Đồng thời nếu trẻ thường xuyên uống thuốc có chứa coticoid sẽ có nguy cơ bị tác dụng phụ mà dễ gặp nhất là loãng xương, còi xương….”
Đáng nói, chỉ có 3% bác sĩ được hỏi có khả năng chẩn đoán đúng cả 5 bệnh, đúng 4 bệnh là 48%, đúng 3 bệnh là 36%, 2 bệnh là 11%, 1 bệnh là 2%. Trong khi các bác sĩ huyện, xã là bác sĩ đa khoa và những bệnh được chọn nghiên cứu là các bệnh cơ bản, thường gặp.
“Lười” thực hành
Nghiên cứu đã chỉ ra một nghịch lý các bác sĩ tuyến xã kiến thức ít hơn nhưng khi khám bệnh họ luôn cố gắng khám, hỏi han bệnh nhân nhiều hơn. Còn các bác sĩ huyện kiến thức tốt hơn nhưng lại khám xét ít hơn. Không ít bác sĩ biết 7 trong 10 mục hướng dẫn nhưng khi khám bệnh họ chỉ áp dụng 4-5.
Ông Olusoji Adeyi – Giám đốc lĩnh vực y tế dinh dưỡng và dân số (Ngân hàng Thế giới) cho biết, qua quan sát, hỏi bác sĩ, bệnh nhân, có một thực tế các bác sĩ xã thực hành gần hết những gì họ đã “trả lời lý thuyết”, còn các bác sĩ huyện lại ít thực hành và chủ yếu dựa vào các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp. Cụ thể thời gian khám ở xã là 7,37 phút, huyện là 4,8 phút; số câu hỏi bác sĩ tuyến huyện đưa ra là gần 7,5 câu, huyện là 6,54 câu. Khám lâm sàng của tuyến xã là 2,39%, huyện 2%; số test cận lâm sàng (xét nghiệm chiếu chụp) ở xã là 4%, huyện là 50%. Điều này có liên hệ trực tiếp với mức độ hài lòng của bệnh nhân khi 83% bệnh nhân khám ở xã hài lòng trong khi chỉ có 72% bệnh nhân khám ở bệnh viện huyện hài lòng. “Tuy nhiên, bệnh nhân Việt Nam dù khám ở đâu thì cũng có điểm chung là “ra về cầm nhiều thuốc hơn nhiều các nước khác” – ông Adeyi nhận xét.
Theo ông Adeyi, nghiên cứu chỉ ra rằng việc tuân thủ quy trình khám bệnh tăng theo chỉ số cố gắng và việc kê đơn kháng sinh cũng giảm theo chỉ số cố gắng. Bác sĩ có mức độ cố gắng cao hơn có xu hướng điều trị đúng hơn. “Phải thừa nhận thực tế, số lượng bệnh nhân đông có ảnh hưởng rõ rệt đến việc bác sĩ dành thời gian hoặc hỏi han bệnh nhân’ – ông Adeyi cho biết.
Về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, quá tải bệnh viện, một bác sĩ khám quá nhiều bệnh nhân là một trong những lý do khiến bác sĩ khó có thể dành nhiều thời gian cho bệnh nhân để hỏi kỹ càng về tiền sử bệnh, tư vấn dùng thuốc, chăm sóc sức khoẻ… “Một bác sĩ khám 30-40 bệnh nhân, thậm chí nhiều hơn thì khó lòng “cố gắng”. Tuy nhiên, thời gian tới chúng ta phải “phân luồng” bệnh nhân cho hợp lý để giảm tải cho các bác sĩ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cần phải tạo thói quen hẹn khám cho bệnh nhân, nhất là các bệnh mãn tính, cần nhiều thời gian tư vấn như đái tháo đường, tăng huyết áp…” – ông Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.
Theo Diệu Linh
Dân Việt