Chất độc trong thảo dược
Chữa bệnh bằng thảo dược đang là một xu hướng được ưa chuộng bởi người ta tin rằng loại thuốc này an toàn hơn hóa dược. Thực ra, trong thảo dược cũng có nhiều độc chất của bản thân nó hoặc tích tụ qua quá trình bảo quản, chế biến.
Tính độc hại của một số cây thuốc có thể do nhiều nguồn:
Độc tố ngoại lai
Tồn dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép: Trong khi trồng trọt, để bảo đảm cho cây phát triển bình thường, người ta không tránh khỏi việc sử dụng một số hóa chất bảo vệ thực vật nhằm diệt côn trùng gây hại. Việc thu hái không theo đúng quy trình khiến hóa chất tồn dư, gây hại cho người dùng.
Chất độc do nấm mốc tiết ra: Khí hậu nóng ẩm và công tác bảo quản không tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc trên dược thảo, tạo ra chất độc aflatoxin (hay mycotoxin). Aflatoxin gây ung thư gan, ở nồng độ nhỏ nó cũng gây hại cho cơ thể người.
Một khảo sát trên 20 mẫu hạt sen ở Hà Nội thấy có 4 mẫu chứa aflatoxin với hàm lượng cao gấp nhiều lần so với quy định của Bộ Y tế.
Kim loại nặng: Qua quá trình trồng trọt, cây cối có thể hấp thu và lưu giữ các kim loại nặng hay các nguyên tố độc từ đất đai canh tác, nguy hiểm nhất là asen, chì, thủy ngân, đồng... Có người kinh doanh còn găm chì vào củ tam thất để tăng khối lượng khi bán.
Độc tố nội tại
Trước những tác động của vi sinh vật, động vật và con người, cây cối vẫn xanh tươi và phát triển là nhờ chúng đã có hệ thống tự bảo vệ, trong đó, chất độc là loại vũ khí lợi hại nhất.
Tính đến nay, người ta đã biết khoảng 6.000 alcaloid có phổ biến ở các loài thực vật, tập trung ở một số họ: trúc đào, thuốc phiện, đậu, cà, thủy tiên... Phần lớn các chất này tác dụng lên hệ thần kinh, liều thích hợp là thuốc chữa bệnh hiệu quả nhưng liều cao là thuốc độc.
Một số cây được coi là siêu độc như: mã tiền (Chất độc chủ yếu là stricnin) thường được dùng trong các bài thuốc chữa thấp khớp; ô đầu (phụ tử) (chất độc chủ yếu là aconitin) có tác dụng bổ dưỡng trợ dương; cà độc dược (chứa atropin có tác dụng vào hệ thần kinh, tác dụng liệt đối giao cảm, chống tiết cholin và chống co thắt cơ trơn); trúc đào (chứa chất độc oleandrin (neriolin)) được dùng làm thuốc chữa suy tim cấp và mạn, hội chứng loạn nhịp nhanh... nhưng rất độc (viên nén chỉ có 0,1 mg neriolin). Lá trúc đào nếu rụng vào bể nước sẽ gây chết người khi uống nước này.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống