Cháo trai chữa u xơ tuyến tiền liệt
Nhiều người cho rằng thịt trai đem chế biến thành các món như cháo trai, canh trai nấu chua, trai xào xả ớt... có tác dụng chữa đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ, thanh nhiệt giải độc. Nhưng cũng không ít người cho rằng nên hạn chế ăn thịt trai vì hại thận.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt trai sông giàu đạm, canxi, phốt pho, một số vitamin như B1, B2, PP, C và có nhiều kẽm. Trong 100g thịt trai có 6,8g chất đạm, 0,6g chất béo, vitamin A 0,02mg, B1 0,01mg, B2 0,13mg, E 1,4mg, các chất khoáng gồm Ca 39mg Fe 11,4mg, P 127mg, Se 29,79mg.
Lượng kẽm trong thịt trai cao hơn cả thịt bò, 100g thịt trai có 70mg kẽm, trong khi đó 100g thịt bò chỉ có 4mg kẽm. Ngoài ra, thịt trai còn quý vì chất béo của nó không gây các tác dụng xấu như ở các động vật khác.
Dùng thịt trai nấu cháo hoặc canh chua vừa là những món ăn ngon, bổ dưỡng vừa có tác dụng chữa một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi như tăng huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường... Ở người mỡ máu cao gây hoa mắt chóng mặt, nhức đầu thì khi nấu cháo nên cho thêm mộc nhĩ, nấm hương, có tác dụng hạ mỡ máu, thông huyết mạch.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thịt trai sông tính lạnh, ăn nhiều dễ sinh bệnh, đặc biệt là bệnh thận. Nhưng theo BS Hoàng Xuân Đại, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều này.
Mẹo chọn và chế biến trai ngon
- Chọn loại trai có phần bụng gần lưng lồi lên thật dài để có nhiều thịt.
- Khi làm thịt trai cần lưu ý, ngâm nước vo gạo 1 - 2 ngày cho trai há miệng nhả hết bùn, sạn, rửa sạch vỏ, đem luộc chín.
- Lấy thịt trai ra khỏi vỏ, rửa kỹ lại cho sạch, nặn hết phân trong bụng trai, lọc lấy thịt nạc để ráo nước, thái miếng nhỏ, thêm gia vị, nước mắm ướp cho ngấm, xào chín với hành cho thơm.
- Sau khi cháo nhừ mới cho thịt trai đã xào vào.
- Dùng nước luộc trai để nấu cháo.
- Cho thêm hành củ, rau răm, thì là vào mỗi bát cháo, ăn ngay khi còn nóng.
- Người thể hàn có thể cho thêm vài lát gừng thái chỉ hoặc dùng gừng tươi giã nhỏ tẩm ướp thịt trai trước khi chế biến.