Chấn thương sau tập thể thao: Đừng đắp thuốc nam
(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (BV Việt Đức), số bệnh nhân chấn thương thể thao luôn chiếm khoảng một nửa bệnh nhân đến khám. Đáng nói, hầu hết bệnh nhân đều đắp lá, đắp thuốc chữa không đỡ mới đến viện.
Ngày 6/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình “Khám, tư vấn miễn phí chấn thương thể thao cổ bàn chân cùng các chuyên gia”. Rất nhiều người đến khám sau đai dai dẳng cả tháng, thậm chí vài tháng, việc can thiệp trở nên khó khăn hơn, thậm chí phải phẫu thuật.
Như trường hợp nam thanh niên trẻ 37 tuổi, sau trận đá bóng cách đó cả năm, bệnh nhân đau vùng khớp, cũng đi khám, rồi bôi dầu, đắp lá nhưng không khỏi bệnh.
Khi đến Viện Chấn thương Chỉnh hình, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ, phát hiện có tổn thương sụn xương sên ở cổ chân. Với chấn thương này, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi, điều trị tổn thương cho bệnh nhân. Ngay sau mổ bệnh nhân đã giảm cơn đau vùng cổ chân, biên độ vận động được cải thiện.
PGS Khánh cho biết, ệnh nhân bị chấn thương thể thao nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-40 tuổi. Bất cứ môn thể thao nào cũng có thể gây nên các chấn thương như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là tập yoga…
Phần lớn bệnh nhân đến viện sau một thời gian tự chữa, đắp lá, bôi dầu.. không khỏi. Do vậy, khi đến viện thường đã bị chấn thương lâu, để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp…
Thậm chí nhiều trường hợp, người bệnh bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi lại điều trị bằng thuốc nam, châm cứu... làm cho bệnh càng nặng hơn, phải phẫu thuật.Có những bệnh nhân do không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng đi lại, phải chịu đau đớn kéo dài.
"Tại Viện, mỗi ngày có khoảng 20 trường hợp đến khám và có 5-10 trường hợp phải chỉ định phẫu thuật", PGS Khánh nói.
PGS Khánh khuyến cáo tuyệt đối không đắp thuốc lá, thuốc nam, hoặc xoa bóp, kéo, nắn... sau khi bị chấn thương.
Hồng Hải