Chẩn đoán ung thư vòm họng bằng cách nào?
(Dân trí) - Ung thư vòm họng có thể không được phát hiện cho tới khi gây ra vấn đề sức khỏe khiến người bệnh phải đi khám. Đôi khi bệnh có thể được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám răng.
Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi về tình trạng sức khỏe của bạn và khám lâm sàng. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để kiểm tra.
Các xét nghiệm, đánh giá có thể bao gồm:
Khám tổng quát vùng đầu-cổ: Bác sĩ sẽ kiểm tra một cách toàn diện vùng đầu cổ để phát hiện những vị trí có bất thường. Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hạch to bất thường vùng cổ là dấu hiệu quan trọng của ung thư cần được kiểm tra. Vòm họng là một vùng khó kiểm tra vì nằm ở sâu, do vậy bác sĩ sẽ cần sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gương, đèn và/hoặc một ống soi đặc biệt có gắn đèn để quan sát.
Sinh thiết: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ ở vị trí nghi ngờ là ung thư. Mẫu mô này sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để khẳng định một người có bị ung thư hay không.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Đây là phương pháp sử dụng một loại tia X đặc biệt để dựng lại hình ảnh nhằm phát hiện xem khối u đã di căn hạch, phổi và/hoặc các cơ quan khác chưa
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng là phương pháp hữu ích để đánh giá kích thước khối ung thư và phát hiện những khối u khác.
Chụp X-quang ngực: Có thể được thực hiện nhằm kiểm tra xem ung thư có di căn tới phổi không.
PET-CT: Khi chụp PET-CT bạn sẽ được yêu cầu sử dụng một loại đường đặc biệt mà mức độ chuyển hóa bên trong cơ thể có thể được quan sát bằng một thiết bị đặc biệt. Tại những vị trí có ung thư, đường này sẽ chuyển hóa mạnh và hiển thị lên như một "điểm nóng". Xét nghiệm này thường được chỉ định khi bác sỹ nghi ngờ bệnh ung thư có thể đã di căn nhưng chưa tìm được vị trí.
Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu cơ bản giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn.