Chăm trẻ ốm mau khỏe

Nhiều bậc phụ huynh do chưa có kinh nghiệm nuôi con nên thường rất hoang mang và đôi khi không biết làm gì cho đúng khi con ốm bệnh. Trong khi đó, vì nhiều lý do mà giữa bác sĩ và phụ huynh chưa có sự trao đổi thoả đáng khi khám bệnh.

Chăm trẻ ốm mau khỏe - 1


 

Trong phạm vi có hạn của bài báo, chúng tôi chỉ xin lưu ý một số vấn đề liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng trẻ bệnh. Đây là công việc rất quan trọng, phụ thuộc hoàn toàn vào phụ huynh và có thể giúp trẻ mau khoẻ hoặc bệnh nặng hơn nếu thực hành không đúng cách.

 

Chia nhiều bữa, thức ăn loãng

 

Khi trẻ bệnh, phụ huynh cần dành nhiều thời gian chăm sóc, kiên nhẫn dỗ dành trẻ ăn. Với trẻ bị viêm nhiễm hô hấp, gây khó thở, cần làm thông thoáng mũi bằng bông gạc để giúp trẻ bú mẹ và ăn uống dễ dàng. Nếu trẻ sốt, phải theo dõi nhiệt độ. Trẻ bị tiêu chảy cần để ý số lần đi ngoài và phát hiện sớm những dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Cho trẻ ăn nhiều bữa hơn, có thể cách khoảng hai giờ với số lượng mỗi bữa ít hơn. Thức ăn cần nấu loãng và giàu chất dinh dưỡng.

 

Trẻ dưới bốn tháng: nên tiếp tục cho bú sữa bình thường nhưng tăng số lần bú và thời gian bú cần kéo dài hơn. Nếu trẻ bị tắc mũi hoặc mệt quá không bú được, có thể vắt sữa ra và cho trẻ ăn bằng muỗng.

 

Trẻ bốn tháng trở lên: ngoài sữa mẹ, cần cho ăn thêm nhiều bữa. Ăn từng ít một với thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá... Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, loãng hơn bình thường. Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh và còn đủ chất dinh dưỡng. Cho trẻ ăn thêm trái cây chín hay nước ép trái cây như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ... để tăng cường vitamin và chất khoáng.

 

Sau khi trẻ khỏi bệnh

 

Để giúp trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm mỗi tuần hai bữa trong hai tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì phải cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu một tháng.

Dinh dưỡng với một số bệnh

 

Trẻ bị ho: cho ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng đầy đủ dưỡng chất như xúp, cháo, sữa (vẫn đủ bốn nhóm bột, béo, đạm, rau) hoặc canh, nui, phở, miến… Ngoài ra, cần cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin C (trái cây), thực phẩm giàu sinh tố A, kẽm và chất sắt như các loại thịt, trứng hoặc rau có màu xanh, đỏ (rau muống, dền, ngót).

 

Trẻ bị sốt: cho trẻ uống nhiều nước để chống mất nước, ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo, xúp, sữa và không cho ăn quá no, ăn từ từ để tránh sình bụng, ói mửa... Do bệnh khiến trẻ mệt mỏi và biếng ăn nên cần chọn những thức ăn trẻ thích. Loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là nước cam, chanh tươi, chanh muối, nước dừa vì những loại nước này ngoài bù nước cho trẻ, còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể giúp thành mạch máu bền vững, giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể.

 

Trẻ bị táo bón: cho ăn nhiều hơn các thực phẩm như sữa chua, rau, quả, nhất là trái cây chín. Chọn các loại rau có tính chất nhuận trường như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền... Cho trẻ ăn các loại quả: bưởi, cam, quýt (sẽ tốt hơn nếu ăn cả múi), thanh long, chuối tiêu, đu đủ… Tránh ăn cà rốt, hồng xiêm, táo... Có thể dùng nước cốt khoai lang sống cho trẻ uống (khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, đem giã nhỏ vắt lấy nước).

 

Trẻ bị tiêu chảy: cho ăn thức ăn nhẹ và mềm để dễ tiêu hoá như cháo gạo trắng loãng, cháo thịt nạc, cháo càrốt thịt nạc, càrốt hầm nhừ, xúp gà, khoai tây hầm nhừ, khoai lang hầm nhừ… cho ăn một lượng thịt ít hơn thường ngày. Táo và chuối chín là hai loại quả thích hợp cho trẻ bị tiêu chảy vì chứa nhiều kali, giúp cơ thể nhanh hồi phục. Tránh cho trẻ dùng thực phẩm nhiều chất xơ và khó tiêu hoá như măng, rau cần, bắp, đậu nguyên hạt, các loại nước có gaz… Tăng cường uống nước trái cây như cam vắt, nước dừa có pha chút muối...

 

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Kim Thoa

Giảng viên đại học Y Phạm Ngọc Thạch TPHCM/SGTT

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ