1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Châm tê để mổ - kỹ thuật diệu kỳ hiển hiện trước mắt tôi

GS Nguyễn Tài Thu từng gây tiếng vang quốc tế về châm tê để mổ. Kế tục sự nghiệp ông, hiện có PGS Nghiêm Hữu Thành cùng nhiều nhà châm cứu trẻ.

 

Châm tê để mổ - kỹ thuật diệu kỳ hiển hiện trước mắt tôi

PGS, TS Nghiêm Hữu Thành làm nốt những khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi bắt đầu châm tê. Trước mặt ông là nữ bệnh nhân Hồ Thu Nguyệt, 49 tuổi, bị u xơ tử cung. 
 

Tôi đã từng được xem băng ghi hình một số ca châm tê để mổ mà GS Nguyễn Tài Thu biểu diễn ở Pháp hay Italy, gây tiếng vang lớn trong dư luận. Chẳng hạn, GS Thu thực hiện châm tê ở Bệnh viện Paul Prousse, Paris (Pháp) để GS Bismuth tiến hành ca đại phẫu lấy sỏi mật.

 

Ca mổ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Suốt thời gian đó, người bệnh vẫn nằm yên, không kêu đau, tuy đôi khi hơi nhíu mày do có cảm giác tưng tức.

 

- Bà có đau không? - GS Bismuth hỏi khi đang mổ banh ổ bụng người nữ bệnh nhân.

 

- Không. Cho tôi xin tách cà-phê.

 

Chi y tá khẽ nâng đầu để bà uống cạn cà-phê.

 

- Cảm ơn, rất cảm ơn.

 

Một nụ cười chưa thể nói là tươi tắn, nhưng đã biểu lộ sự yên tâm.

 

Một băng hình khác tôi hồi hộp theo dõi là ca đại phẫu tại Bệnh viện số 1 ở thủ đô Rome (Italy). Người bệnh bị xơ gan, trong tình trạng chảy máu toàn thân (hémorragie totale). Trong trường hơp như vậy mà cứ dùng thuốc mê thì rất có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, buộc phải dùng phương pháp độc đáo của phương Đông: châm tê để mổ.

 

Ca mổ được hàng RAI truyền hình tại chỗ, bởi lẽ đây là trường hợp mổ xẻ mà không cần dùng thuốc mê, thuốc tê đầu tiên ở nước này. GS Thu biểu diễn trước ống kính ca-mê-ra. Mỗi thao tác của ông được Tổng thống Italy và hàng triệu người xem truyền hình ở nước này theo dõi. Người bệnh ăn nhẹ và uống nước ngọt ngay trên bàn mổ.

 

Có thể nói không phóng đại - như lời bình của phóng viên hãng truyền hình RAI - rằng “đây là ca mổ gây chấn động cà nước Italy”. Sau ca mổ, Tổng thống Italy mời GS Thu châm cứu cho con gái ông. Và, năm sau, vị nguyên thủ quốc gia ấy mời nhà châm cứu Việt Nam trở lại thăm Italy như một vị thượng khách, để giúp ngành châm cứu nước này phát triển.

 

Những đóng góp của GS Thu trong việc xây dựng ngành châm cứu hiện đại Việt Nam là rất to lớn, đáng ghi nhớ và trân trọng. Nước ta hiện là một trong 5 nước có ngành châm cứu phát triển nhất thế giới: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Pháp và Malaysia. GS Thu hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Châm cứu thế giới phụ trách khoa học - kỹ thuật.

 

Sinh năm 1931, GS Thu nay ngoại bát tuần. Rất may, trong suốt cuộc đời dài mà tạo hóa đã hào hiệp ban cho, ông đã dày công đào tạo được một đội ngũ các nhà châm cứu giỏi cho đất nước, nhiều người là phó giáo sư, tiến sĩ. Kỹ thuật châm tê để mổ cũng như kỹ thuật châm tê chữa bệnh không hề bi thất truyền.

 

PGS, TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu trung ương, là một trong những người kế tục xứng đáng sự nghiệp của thầy Thu.

 

Vào một buổi sáng đầu hè năm nay, tôi được trực tiếp chứng kiến một ca đại phẫu do PGS Thành châm tê tại bệnh viện này. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt - chứ không phải xem qua băng ghi hình - một ca mổ như thế.

 

Châm tê để mổ - kỹ thuật diệu kỳ hiển hiện trước mắt tôi

PGS, TS Nghiêm Hữu Thảnh chọn những cây kim to, dài để thực hiện ca đại trường châm, châm xuyên kinh, xuyên huyệt.

Bệnh nhân là bà Hồ Thị Nguyệt, 49 tuổi, trú ở xã Tây Lộc, thành phố Yên Bái, mới nhập viện dăm hôm trước đó. Bà thường bị đau bụng dười, đi khám, bác sĩ kết luận bị u xơ tử cung. Các xét nghiệm sau khi nhập viện cho thấy bà có đủ điều để tiến hành phẫu thuật, tuy nhiên cơ thể suy yếu, gây mê, gây tê dễ để lại hậu quả xấu.

 

Khoác áo blouse, đội mũ vải mềm bệnh viện màu lục thẫm như phẫu thuật viên, tôi và cô phóng viên trẻ Nguyễn Thị Thu Thủy theo chân PGS Thành bước vào phòng mổ ở tấng hai tòa nhà bệnh viện nhìn ra phố Thái Thịnh. Phòng mổ tại một bệnh viện Đông y nhưng cũng được lắp đặt các thiết bị hiện đại chẳng khác nào phòng mổ tại các bệnh viện Tây y nổi tiếng như Việt - Đức, Bạch Mai, Saint Paul, Viện Quân y 108, Bệnh viện Quân y 103, v.v. mà tôi đã có dịp đến thăm. Các bác sĩ ở đây, trước khi đi sâu vào chuyên ngành châm cứu, đều đã được đào tạo kỹ về y học hiện đại tại các trường đại học y lớn.

 

Nữ bệnh nhân Hồ Thu Nguyệt mổ u xơ tử cung, một ca đại phẫu được gây vô cảm bằng phương pháp châm tê. Bà không hề cảm thấy đau đớn khi mổ.

 

- Cách nay vài chục năm, khi Bệnh viện Châm cứu trung ương này còn chưa có phòng mổ - PGS Thành nói - bọn tôi cứ phải “ăn nhờ ở đậu”, nghĩa là phải “chạy sô” đến thực hiện các ca châm tê tại các bệnh viện bạn. Không có ê-kíp gây mê - hồi sức của riêng mình, nên khó khăn gấp bội. Hơn nữa, dạo ấy, các thầy thuốc Tây y chưa mấy ai tin vào phương pháp châm tê, cứ lo ngay ngáy, nhỡ ra đang mổ nửa chừng, bống nhiên người bệnh hét toáng lên kêu đau dữ dội thì phải ứng phó ra sao?

 

Mà lo như vậy cũng có lý. Các hệ thần kinh, tĩnh mạch, động mạch từ lâu đã được mô tả kỹ càng, tỉ mỉ về mặt giải phẫu học. Thế nhưng, cho đến nay, sinh học hiện đại vẫn chưa tìm thấy sự khác biệt nào về mặt hình thái cấu trúc của các các tế bào và mô ở các kinh, huyệt so với các tế bào và mô chung quanh chúng. Y học phương Tây được định lượng rõ ràng. Song y học phương Đông thì còn nhiều vùng “mờ”, chỉ mới được định tính, mà chưa được lượng hóa, do đó, cách xử lý có phần nào giống như trong nghệ thuật. Vì thế, một nhà châm cứu giỏi, bên cạnh tri thức, còn cần phải có năng khiếu, thiên tư như một nghệ sĩ chơi đàn vi-ô-lông, có “bàn tay vàng”, có cảm nhận tinh tế ở “tay kim”. Nhưng bàn tay là do khối óc và tấm lòng điều khiển, cho nên cũng có thể nói phải có khối óc thông thái và tấm lòng vị tha.

 

So với các phương pháp gây tê, gây mê khác, châm tê có ưu điểm an toàn, ít gây rối loạn chức năng sinh lý. Chỉ định tuyệt đối của phương pháp này là những trường hợp cần phải mổ nhưng không thể chịu được thuốc tê, thuốc mê do dị ứng với thuốc, do chức năng gan, thận, phổi kém hoặc do quá suy yếu.

 

Để thực hiện thành công hoàn hảo một ca châm tê, ngay từ ngày hôm trước, PGS Thành thường phải tự mình khám lại bệnh nhân, nghiên cứu kỹ bệnh án, để hình thành trong đầu một phác đồ kinh, huyệt phủ hợp. Đường kim không được phép đụng vào dây thần kinh hay mạch máu. Châm nông quá chưa tới huyệt hoặc châm sâu quá thấu qua huyệt đều là không trúng huyệt, không đắc khí, gây cho người bệnh đau đớn khi châm, và càng đau đớn hơn, đau không sao chịu nổi khi người thầy thuốc vê kim hoặc dùng máy điện châm rung kim để kích thích dẫn khí, điều khí.

 

Trên bàn mổ, bà Nguyệt nằm dài, hai chân duỗi thẳng, trên mình phủ một tấm vải, mắt hé mở. Mấy chị điều dưỡng xoa bông sát trùng. PGS Thành nói nhỏ với tôi, do cần mổ cắt u xơ tử cung, nên phải áp dụng phác đồ châm tê vùng dưới. Ông cầm những cây kim dài như chiếc đũa, và cho tôi biết, ông đang dùng phương pháp đại trường châm - một phương pháp Việt Nam. Cây kim có thể dài 5-6, 10-15, thậm chí 20-30 centimet.

 

Châm đúng kinh, đúng huyệt thì người bệnh không đau. So với châm cứu chữa bệnh, châm tê để mổ đòi hỏi nhà châm cứu phải có tay nghề điêu luyện hơn. Nếu châm sai, có thể gây tai biến ở mạch máu, dây thần kinh, phủ tạng. Rất nhiều anh chị em châm không tê, không gây được trạng thái vô cảm ở người bệnh. Châm kim to, dài càng không được phép sai sót.

 

PGS Thành bắt đầu châm bốn huyệt Giáp tích L2. L3 ở sau lưng, hai bên cột sống, huyệt Thứ Liêu ngang lỗ xương cùng 2. Rồi ông xoay người bệnh nằm ngửa, châm vào các huyệt Thiên khu ở hai bên rốn. Rồi dùng hai cây kim to, dài, ông châm xuyên huyệt, từ huyệt Đái Mạch xuống huyệt Duy đạo dọc theo vùng bụng.

 

- Anh có thấy hai cây kim to, dài ở dưới da bụng hai bên rốn không?

 

- Thấy rất rõ.

 

- Bây giờ anh thử đặt đầu ngón tay vào chỗ này này, chỗ mũi kim xuyên xuống huyệt Duy đạo ấy, xem xem có cảm giác gì không?

 

Theo lời ông, tôi đặt ngón tay trỏ vào nơi đầu mũi kim làm cộm lớp da bụng dười.

 

- Có, tôi cảm nhận được sự “hiện diện” của cây kim rồi.

 

Tiếp đó, ông châm thêm một số huyệt ở vùng Đan điền, rồi các huyệt phía dưới chân như Túc tam lý, Tam giao…

 

Mấy chị điều dưỡng cho chạy máy điện châm rung kim để kích thích dẫn khí, điều khí trong 30 phút.

 

- Chị cảm thấy thế nào?, PGS Thành hỏi bà Nguyệt.

 

- Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy tê tê từ bàn tay lan đến khuỷu tay, từ bàn chân lan lên đầu gối.

 

- Tốt lắm.

 

Ông cầm cái panh cặp vào vùng da bụng, thế mà bà Nguyệt không hề kêu đau. Vậy là việc gây tê đã có kết quả. Trạng thái vô cảm đã xuất hiện. Thời gian gây tê có thể kéo dài 6-8 giờ tùy theo ca mổ. Chỉ khi nào rút hết kim ra, thì tình trạng tê tê mới giảm dần. Để giữ cho cây kim không bị di lệch, các chị điều dưỡng cố định chúng bằng băng dính - thứ này hiện nay quá sẵn, nhưng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, theo PGS Thành cho biết, thường là ông phải gom góp dành dụm từng đoạn ngắn để dùng dần.

 

- Các bạn bắt đầu mổ nhé! Mình phải đi tiếp đoàn cán bộ của Bộ Y tế xuống thăm bệnh viện đây. Nhà báo cứ tiếp tục theo dõi ca mổ nhé - PGS Thành dặn.

 

Lo lắng theo dõi ghi hình và đưa tin về ca châm tê phẫu thuật của PGS, TS Nghiêm Hữu Thành.

 

Nói xong, ông đi ngay. Tôi hơi ngỡ ngàng. Sao ông không nán lại để xử lý tình huống nếu như khi đang mổ, bỗng nhiên bệnh nhân hét toáng lên kêu đau?

 

- Không sao đâu - anh phẫu thuật viên nói với tôi. - Châm tê để mổ những trường hợp như thế này ở đây chưa hề xảy ra sự cố.

 

Trạng thái vô cảm đã xuất hiện ở người bệnh. Dưới ánh đèn rực sáng chiếu xuống bàn mổ, anh bác sĩ phẫu thuật cầm con dao mổ sắc ngọt, chỉ to hơn con dao díp chút ít, bắt đầu rạch bụng bà Nguyệt. Tôi trông thấy rõ mồn một, dưới lớp da mỏng bên ngoài, là cả một lớp mỡ dày vàng óng, tựa lớp mỡ gà khi ta mổ bụng một chú gà trống thiến. Tiếp sau là động tác tìm và cắt u xơ, một khối u không lớn lắm, vào cỡ 1,5 x 2,0 x 4,0 centimet.

 

Con dao mổ đã rạch banh ổ bụng mà người bênh vẫn không cảm thấy đau đớn.

 

Ca mổ kéo dài một tiếng đồng hồ. Bà Nguyệt không hề rên một tiếng.

 

Các phẫu thuật viên đứng quanh bàn mổ khoác áo blouse màu lục thẫm.

 

Tính đến nay, ở nước ta, đã thực hiện thành công hàng chục nghìn ca châm tê phẫu thuật. Có lần nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kể lại: Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, là một vị chỉ huy chiến trường, ông đã chứng kiến cảnh thương tậm, nhiều trạm quân y tiền phương cạn kiệt thuốc mê, thuốc tê. Bác sĩ Nguyễn Tài Thu và những học trò của ông đã châm tê để mổ cho nhiều thương binh cắt chân, cắt tay, mổ bụng, mổ ngực lấy mảnh bom, mảnh đạn…

 

Anh bác sĩ trẻ Nghiêm Hữu Thành là một người học trò thân thiết của thầy Thu từ những ngày đầu gian khổ xây dựng ngành châm cứu hiện đại Việt Nam. Những khi GS Thu đi công tác dài ngày ra nước ngoài, ông thường ủy nhiệm anh Thành thay ông giải quyết những ca châm tê khó. Dần dần anh làm được hầu hết câc ca phức tạp như mổ mặt, xoang, ung thư hạ họng, thanh quản, mổ tai xương chũm, bươu cổ, u tuyến vú, cắt ruột thừa, dạ dày, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, bênh ba-dơ-đô (basedow), v.v.

 

Bên cạnh việc nắm vững kỹ thuật châm tê, PGS, TS Nghiêm Hữu Thành còn thông thạo các kỹ thuật châm cứu chữa bệnh. Ông xứng đáng đảm đương trọng trách Giám đôc Bệnh viện Châm cứu trung ương, trọng trách mà GS Nguyễn Tài Thu đã đảm đương suốt mấy thập niên. Không chỉ là nhà chuyên môn giỏi, giám đốc Thành còn là nhà quản lý luôn gần gũi, quan tâm, chăm sóc cuộc sống đời thường của cán bộ, công nhân, viên chức trong bệnh viên.

 

Theo PGS Thành cho biết, thì kỹ thuật châm tê để mổ cũng như châm cứu chữa bệnh đã được chuyển giao cho nhiều bệnh viện quân y, dân y và hội châm cứu địa phương. Nhiều cán bộ châm cứu ở nhiều nơi  như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Đác Lắc, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Bình, Hải Dương, Viện Quân y 108, Bệnh viện Quân y 103, v.v. giờ đây cũng thực hành được kỹ thuật tinh tế này…

 

Phương pháp châm tê ngày nay được giảng dạy tại các trường đại học y như là một phương pháp bổ sung cùng với các phương pháp gây mê dùng thuốc của y học hiện đại.

 

Theo Hàm Châu và Thu Thủy

DVT