Cha mẹ sơ ý, 2 trẻ nhỏ suýt thủng ruột vì nuốt đinh
(Dân trí) - Nhập viện sau nhiều ngày quấy khóc, bỏ bú các bệnh nhi được bác sĩ kiểm tra hình ảnh thì phát hiện trong đường tiêu hóa có dị vật cản quan. Qua phẫu thuật nội soi, bác sĩ đã gắp được những cây đinh khi vừa trôi qua dạ dày giúp các bé tránh nguy cơ thủng ruột.
Ngày 20/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM cho biết, tại đây vừa liên tục tiếp nhận 2 trường hợp bị dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm. Trường hợp thứ nhất là bé trai L.M.T. (9 tháng tuổi, ngụ tại Bình Dương) được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám sau khi trẻ có những biểu hiện quấy khóc, bỏ bú. Trên hình ảnh X-quang, bác sĩ phát hiện trong đường tiêu hóa của bệnh nhân có dị vật cản quang hình chiếc đinh có một đầu sắc nhọn.
Trường hợp thứ 2 là bé trai N.T.Q. (15 tháng tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM). Cháu nhập viện trong tình trạng mệt, đau bụng, bỏ ăn, quấy khóc. Sau khi khai thác bệnh sử không ghi nhận những dấu hiệu bất thường, bệnh nhi được bác sĩ kiểm tra hình ảnh thì phát hiện dị vật cản quang hình chiếc đinh nhọn trong đường tiêu hóa.
Sau hội chẩn nhanh, các bác sĩ xác định dị vật ở cả 2 bệnh nhi đã trôi khỏi dạ dày nhưng còn nằm ở đường tiêu hóa trên. Nếu không can thiệp kịp thời, dị vật sẽ di chuyển xuống ruột non, nguy cơ gây tắc ruột, thủng ruột, đe dọa nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhi. Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật nội soi lấy dị vật cho các bệnh nhi. Cả 2 cuộc nội soi đều diễn ra khó khăn nhưng các bé đều may mắn khi bác sĩ lấy thành công dị vật ra khỏi cơ thể, tránh cho các bé nguy cơ bị tổn thương đường tiêu hóa, phải thực hiện mổ hở.
Được bác sĩ cho xem những chiếc đinh lấy ra từ đường tiêu hóa của con mình, phụ huynh của cả 2 bé đều thừa nhận đã không thường xuyên để mắt đến con, không dọn nhà cửa sạch sẽ nên đinh nhọn vương vãi quanh khu vực bé chơi đùa.
Từ những tai nạn nguy hiểm trên, TS.BS Trần Quốc Việt cảnh báo, trẻ nhỏ thường hay khám phá thế giới xung quanh và khám phá cơ thể chính mình bằng việc cho mọi thứ vào các ngã tự nhiên trên cơ thể nên tai nạn thường xảy ra. Thông thường khi trẻ nuốt dị vật, hệ tiêu hóa sẽ đào thải qua đại tiện. Tuy nhiên, một số trường hợp dị vật bị tắc lại trong đường tiêu hóa, gây ra những biến chứng nặng nề như thủng ruột, tắc ruột. Một số trường hợp khác dị vật quá lớn sẽ mắc kẹt ở cổ hoặc thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, có thể gây tử vong nếu không cấp cứu đúng cách kịp thời.
Thực tế những ca bị dị vật đường tiêu hóa được điều trị tại các bệnh viện cho thấy, trẻ có thể nuốt phải bất kỳ vật thể nào nhưng nhiều nhất là các đồng xu, kim băng, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ… Để tránh những tai nạn tương tự có thể xảy ra, bố mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ tuyệt đối không cho trẻ chơi những món đồ có thể bỏ vừa miệng của trẻ hoặc nhét được vào các ngã tự nhiên trên cơ thể. Người lớn phát dọn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, những vật nhỏ trong nhà phải có hộp đựng, đặt trong có khóa hoặc trên cao, xa tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Li Uyên