Cha bị đột quỵ, con gái 12 năm làm "cô tiên" của người bệnh hiểm nghèo
(Dân trí) - Sau cơn đột quỵ của cha, người con gái hiếu thảo quyết định chuyển về bệnh viện gần nhà làm việc. Đó cũng là bước ngoặt để suốt 12 năm, cô kết nối hàng chục tỷ đồng giúp đỡ những ca bệnh hiểm nghèo.
"Đứng xếp hàng ở đây giúp em anh ơi, mình có xuống mấy lần rồi mà… Bệnh nhân và người nhà vui lòng nhận trực tiếp, người khác không nhận thay được, cô chú anh chị thông cảm ạ…", tiếng người phụ nữ với chiếc đầu bạc trắng nổi bật, vang lên tại hành lang bệnh viện, khi đã giữa trưa.
Bước ngoặt từ cơn đột quỵ của cha
12h30, trên tay nhà hảo tâm còn khoảng 15 phong bì hỗ trợ bệnh nhân. Chị Nguyễn Bích Hảo (48 tuổi), phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Ung bướu TPHCM vẫn nhẫn nại đứng chờ bệnh nhân và thân nhân đến.
Thấy người vừa bước lại thông báo ở lầu 9, cô nhanh nhảu cất tiếng vừa nhờ vả, vừa như giải thích với người xung quanh: "Chị lên nhắn mấy bệnh nhân khác xuống nhận quà giúp em. Lầu 9 là chỗ điều trị ung thư lưỡi, khổ lắm…".
Chị Bích Hảo điều phối cho bệnh nhân nghèo nhận tiền hỗ trợ xuyên trưa (Ảnh: Hoàng Lê).
Sau khi lá phiếu cuối cùng được nhận về, công việc buổi sáng của chị Hảo cũng hoàn tất, lúc 12h45. Giờ này, các đồng nghiệp đã tranh thủ nghỉ ngơi nhưng cô còn chưa ăn trưa, lại cứ đứng tần ngần.
Thấy phóng viên thắc mắc, chị Hảo chép miệng: "Có 198 phiếu mà bệnh nhân nội trú nhiều quá, chưa kể các ca vãng lai. Người nào không có phiếu đành phải từ chối, mà từ chối hoài vậy, chắc tổn thọ lắm. Nói thiệt, ai mình cũng muốn cho hết, không phân biệt, xin được nhiều thì càng mừng…".
Gần như ngày nào, chị Hảo cũng làm công việc quen thuộc: Kết nối các nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện đến quyên góp, hỗ trợ cho bệnh nhân. Vì lý do này, nữ nhân viên y tế quen mặt với hầu hết những ai ra vào viện. Miễn là người nghèo sẽ lại… "qua tay" chị.
Đã ngót nghét 12 năm, chị Hảo gắn bó với công việc "xin tiền" cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Người phụ nữ mỉm cười, nói vạn vật đều có nhân duyên. Và nhân duyên nghề nghiệp đến với chị lại từ một biến cố liên quan đến việc "sinh - tử".
"Năm 2012, cha tôi bất ngờ lên cơn đột quỵ kèm nhiều bệnh nền nguy hiểm, phải đưa đi cấp cứu lúc nửa đêm. Sau lần thoát chết đó, bản thân tôi rất lo lắng cho cha.
Vậy nên tôi quyết định xin về làm gần nhà để tiện chăm sóc cha, vì gia đình rất neo người.
Ngay lúc mới vào viện, tôi đã được bàn giao công việc xét duyệt hồ sơ bệnh nhân khó khăn. Trước đây khi còn ở công ty tín dụng, tôi làm hồ sơ cho người lao động khó khăn vay tiền hỗ trợ cải thiện cuộc sống, giờ lại chuyển sang… xin hẳn cho bệnh nhân ngặt nghèo".
Chị Hảo tóm tắt công việc của mình qua 4 từ: "kết nối", "lắng nghe", "sẻ chia", và "thấu hiểu". Nói ngắn gọn là vậy, nhưng có hàng loạt hoạt động được nữ nhân viên phòng Công tác xã hội cùng các đồng nghiệp tạo ra. Họ vun vén từ bữa ăn sáng cho bệnh nhân khám bệnh mỗi tuần, các chương trình ngày Quốc tế thiếu nhi, lễ Giáng sinh… đến việc hỗ trợ viện phí phẫu thuật, đưa bệnh nhân về quê ăn Tết miễn phí.
Chị Hảo hỗ trợ từ bệnh nhi, người lớn tuổi đến người nước ngoài (Ảnh: Hoàng Lê; NVCC).
Riêng với nữ bệnh nhân, 2 hoạt động lớn nhất là các chương trình kỷ niệm ngày 20/10 và 8/3. Cứ vào thời điểm này, chị Hảo lại cố gắng kết nối với những nguồn tài trợ, để chị em không chỉ được chăm sóc sức khỏe mà còn được nâng niu tinh thần, bằng những món quà như mỹ phẩm, sữa, bánh, và không thể thiếu những đóa hoa xinh đẹp.
"Cô tiên tóc trắng" của bệnh nhân ung thư
Chị Hảo tâm sự, từ những ngày đầu làm việc, ban lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM luôn thống nhất quan điểm không đẩy mạnh chuyện kêu gọi quyên tiền, để không làm mất đi bản chất tốt đẹp của việc từ thiện, tinh thần tương thân, tương ái.
Nhưng thông qua các hành động thiết thực, "người thật việc thật" mà phòng Công tác xã hội tạo ra, từ những mối quan hệ cá nhân như bạn bè, đồng nghiệp cũ, đến các công ty, đoàn thể cứ chủ động liên hệ chị Hảo để đặt vấn đề chia sẻ cho bệnh nhân nghèo. Và trong quá trình kết nối, người phụ nữ lại cảm nhận được sự khó khăn, bất hạnh của những bệnh nhân cùng cực. Chẳng biết từ bao giờ, chị biết đau cùng nỗi đau của họ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị Bích Hảo là khi hỗ trợ một nữ bệnh nhân 50 tuổi, bất ngờ phát hiện bị ung thư vú giai đoạn nặng, trong thời điểm đã chia tay chồng, con cái không quan tâm.
Ban đầu khi được hỏi thăm, bệnh nhân chỉ khóc và kiên quyết không điều trị, xin về chấp nhận số phận, với lý do đã cạn tiền và không người chăm sóc. Suốt 3 tiếng đồng hồ tiếp chuyện, chị Hảo dùng cách lắng nghe, chia sẻ như người nhà bệnh nhân, không thúc ép điều trị hay nhắc gì đến hậu quả xấu nhất… Mọi sự cố gắng của chị cuối cùng cũng được đền đáp, khi bệnh nhân nở nụ cười ra về, hứa sẽ thực hiện ca phẫu thuật.
Thông qua các hoạt động thiết thực chị Hảo và đồng nghiệp tạo ra, rất nhiều bệnh nhân đã được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần (Ảnh: Hoàng Lê).
"Đến thời điểm hậu Covid-19 là hơn 5 năm sau ngày phẫu thuật, bệnh nhân vẫn đến bệnh viện tái khám, khi khối u đã di căn qua xương. Dù vậy, tinh thần của bệnh nhân rất tốt. Bà ấy nói với tôi, dù có xảy ra chuyện gì chăng nữa thì bản thân cũng suy nghĩ tích cực", chị Hảo kể.
Nửa cuối năm 2023, một nữ giáo viên ở Tây Nguyên đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM vì bị đau nhiều ở vùng cổ. Cô có chồng là lao động tự do, 2 con nhỏ, ở 1 căn nhà trọ nhỏ ọp ẹp, cuộc sống vốn dĩ rất khó khăn. Nghe bác sĩ báo đã bị ung thư tuyến giáp, phải đóng 15 triệu đồng mổ khối u gấp, nữ giáo viên bàng hoàng. Cô xin về quê, chấp nhận rủi ro sinh mạng, vì không đủ khả năng đóng tiền.
Nắm thông tin, chị Hảo lập tức kết nối, thông tin tình hình bệnh nhân đến 2 nhà hảo tâm. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, bệnh nhân được ủng hộ hơn 15 triệu đồng. "Khi biết đã đủ tiền mổ, bệnh nhân khóc nghẹn, nói không biết làm cách nào để trả ơn tôi. Nhưng mình chỉ mong cô ấy được cứu chữa kịp thời, đâu nghĩ đến việc trả ơn…", nữ nhân viên y tế tâm sự.
Đến nay, hàng chục nghìn ca bệnh thông qua chiếc cầu nối của chị Hảo đã được giúp đỡ trong quá trình điều trị, thậm chí níu giữ được mạng sống. Đây là con số mà khi nghĩ lại, chị cũng không tin mình làm được nhiều như vậy. Vì mang mái đầu bạc trắng tự nhiên, theo thời gian dài san sẻ yêu thương, chị Hảo được nhiều trẻ em điều trị ở khoa Nhi hồn nhiên gọi là "cô tiên đầu bạc", còn người lớn thì xem như cứu tinh.
Nữ nhân viên y tế được nhiều trẻ vào viện điều trị gọi là "cô tiên" (Ảnh: Hoàng Lê).
Hàng chục tỷ đồng là số tiền chị kết nối giúp đỡ bệnh nhân mỗi năm, càng về sau lại càng cao hơn trước. Mỗi ngày, chị có mặt ở bệnh viện từ 7h30, và toàn xong việc khi các phòng hành chính đã tắt đèn. Khi có đoàn đến hỗ trợ, bất kể giờ nghỉ trưa hay đã sang chiều muộn, chị Hảo vui vẻ ở lại.
Khuyên chị em đừng mải mê cuộc sống mà bỏ quên sức khỏe
Sau đại dịch, có thời điểm chuyện làm từ thiện gây ra nhiều sự hoài nghi, bị lên án vì xuất hiện các hiện tượng tiêu cực. Có người còn lo ngại, hoạt động này sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nhưng với chị Hảo, mọi thứ không gặp trở ngại hay bất cứ trì trệ nào. Người phụ nữ lý giải, bản thân chỉ là người kết nối, không nhận hay giữ tiền của mạnh thường quân. Họ sẽ được trực tiếp trao cho bệnh nhân, nắm rõ hoàn cảnh của từng người.
Với bệnh nhân khó khăn trong điều trị, khi đã được phê duyệt, tiền cũng không về trực tiếp cá nhân mà phải thông qua tài khoản bệnh viện, ủng hộ bằng cách đóng trực tiếp và xuất biên lai viện phí, nên không có bất kỳ sự nghi kỵ nào.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Diễm, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, bàn thân rất ấn tượng với sự nhiệt tâm, tận tình của chị Hảo đối với bệnh nhân.
"Trong các trường hợp cần hỗ trợ, chị Hảo xác minh rất kỹ, để khi đến với nhà hảo tâm phải đúng người thật, việc thật. Có những bệnh nhi nghèo mất lúc nửa đêm, chị ấy cũng không nề hà, liên hệ gấp để tìm xe đưa trẻ về nhà.
Có chị Hảo làm việc, bệnh nhân được giúp rất nhiều, chúng tôi cũng rất yên tâm. Hôm nào chị ấy nghỉ, việc kết nối sẽ gặp bất lợi…", thạc sĩ Diễm chia sẻ.
14h15, đang tranh thủ những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, chị Hảo lại nhận được thông báo có bệnh nhân cần hỗ trợ. Cô chạy vội vào phòng, lấy điện thoại cá nhân bấm số một nhà xe quen.
"Anh ơi, giúp Hảo một chuyến xe cho bệnh nhân về quê lần cuối nha. Bệnh nhân sinh năm 1965, ở Đồng Tháp, bị ung thư buồng trứng nặng, đã tắc phổi, suy hô hấp, không còn cứu được... Bệnh nhân khó khăn lắm, Hảo chụp hình chuyển cho anh ngay", giọng chị khẩn khoản, như xin cho chính người thân của mình.
Đó cũng là những khoảnh khắc buồn nhất trong công việc của chị Hảo, khi biết người mình hỗ trợ sẽ không qua khỏi. Chỉ vào chiếc thang máy lớn đối diện phòng Công tác xã hội, chị Hảo tiết lộ, đây là nơi bệnh nhân nguy kịch được đẩy bằng băng ca xuống, trả về cho người nhà. Không ít lần, chị chứng kiến những giọt nước mắt, nhìn bệnh nhân dần trút hơi thở sau cùng.
Chị Hảo gọi điện thoại xin hỗ trợ "chuyến xe cuối cùng" cho bệnh nhân (Ảnh: Hoàng Lê).
Do đó, "cô tiên" của bệnh nhân nghèo mong người dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng hãy luôn yêu thương chính mình, bằng cách chủ động tầm soát để phát hiện bệnh sớm, can thiệp kịp thời. Khi đã mắc bệnh, hãy luôn sống bằng tinh thần lạc quan và sự tích cực, thoải mái, để việc điều trị thuận lợi.
"Nhiều chị em còn trẻ cứ lo kiếm sống, con cái mà quên đi bản thân, đến khi phát hiện bệnh đã muộn. Đây là điều rất đáng tiếc. Tôi đã trải qua chuỗi ngày chứng kiến cha bị đột quỵ, nên rất thấu hiểu nỗi đau có người thân bị bệnh tật giày vò.
Qua đây, tôi cũng xin cảm ơn toàn thể các nhà hảo tâm, những người đã và đang đồng hành với chúng tôi lâu nay. Các anh chị không chỉ giúp đỡ tiền mà còn góp phần nâng đỡ tinh thần cho từng bệnh nhân. Và cảm ơn bệnh viện đã tạo điều kiện cho phòng Công tác xã hội trong mọi hoạt động hỗ trợ hướng đến bệnh nhân", chị Bích Hảo trải lòng.