Cây kim khâu gỉ sét nằm trong lồng ngực bé gái 3 tuổi suốt hai năm

(Dân trí) - Lúc lên 1 tuổi, trong một lần bị ngã bé gái bị cây kim khâu đâm vào lồng ngực nhưng không biết. Dị vật này chỉ được phát hiện ra 2 năm sau đó, khi bé xuất hiện tình trạng mệt mỏi, sốt, nôn, đau bụng, khi đưa đến viện các bác sĩ hoảng hồn khi phát hiện trong lồng ngực của bé có cây kim khâu dài khoảng 4cm.

Cây kim gỉ sét nằm trong lồng ngực bệnh nhi suốt 2 năm, đâm vào phổi của bé. Ảnh: BS cung cấp.
Cây kim gỉ sét nằm trong lồng ngực bệnh nhi suốt 2 năm, đâm vào phổi của bé. Ảnh: BS cung cấp.

Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 24/10 chia sẻ về ca bệnh hi hữu bệnh viện vừa tiến hành can thiệp. Theo đó, bé gái Nguyễn Thị Thanh H.(3 tuổi, Nghệ An) đã được các bác sĩ BV Nhi Trung ương phẫu thuật, lấy ra chiếc kim khâu dài 4cm sau hai năm ngự trong lồng ngực của bé.

Ca phẫu thuật được thực hiện hôm 13/10, cây kim được lấy ra đã rỉ sét.

Theo người nhà bệnh nhân, khoảng một tuần trước ngày nhập viện, bé Hà có biểu hiện mệt mỏi, sốt, nôn, đau bụng, người nhà lo lắng cho con đi khám ở Bệnh viện tỉnh. Tại đây, qua chụp X-quang các bác sĩ tình cờ phát hiện dị vật ở lồng ngực bên phải của cháu bé, nghi là kim khâu. Bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ tiến hành chụp X-quang và hình ảnh chụp cho thấy có dị vật là một chiếc kim dài khoảng 4 cm nằm ở vị trí thành ngực lưng bên phải của bé gái. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật nội soi lấy dị vật ra khỏi lồng ngực của bé.

Người nhà bé gái cho biết, cách đây 2 năm, sau một lần H. ngã có xuất hiện sưng tấy vùng lưng. Tại thời điểm đó, bé Hà đã được điều trị nhiễm trùng tại chỗ, vết thương ổn định và không có dấu hiệu bất thường. Không ai nghĩ đến nguy cơ cây kim xuyên qua da vào cơ thể bé.

Bác sĩ Nguyễn Văn Linh, Phó giám đốc Trung tâm nội soi Rô bốt (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nhiều khả năng bé bị kim đâm xuyên qua da trong lần ngã này.

Cây kim khâu bị đâm ở lưng bé Hà đã di chuyển, đi qua lồng ngực, xuyên vào phổi. Từ lồng ngực của bệnh nhi, kíp mổ rút ra một chiếc kim khâu dài khoảng 4 cm đã gỉ sét”. Rất may chiếc kim đã không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cháu bé. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện.

Lý giải tình trạng chiếc kim khâu có thể xuyên qua da vào cơ thể, BS Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) giải thích: “Kim khâu là vật nhọn và nhỏ nên có thể nhẹ nhàng xuyên qua da vào cơ thể mà không gây đau đớn nhiều. Khi vào trong cơ thể, tùy theo sự vận động của người bệnh, kim có thể di chuyển tới nhiều cơ quan khác nhau, gây nguy hiểm cho tính mạng và khiến việc phẫu thuật lấy kim trở nên rất khó khăn”.

Thực tế đã có những ca bệnh bị kim khâu lọt vào cơ thể đầy tình cờ và người bệnh chỉ phát hiện khi chiếc kim di chuyển, gây ra triệu chứng.

Để phòng ngừa nguy cơ này, người lớn khi lấy kim khâu xong cần cất vào nơi an toàn. Nhất là thói quen của nhiều người đang khâu lại cắm kim vào gối, đệm là rất nguy hiểm nếu sau đó quên không cất kỹ.

Trường hợp biết mình đánh rơi kim cha mẹ cần tìm kiếm kỹ càng, không để kim bị rơi nằm lại trên sàn nhà, gây nguy hiểm cho các bé, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi kim có thể đâm vào cơ thể, nhẹ nhàng xuyên qua da.

Hồng Hải