"Cầu nối" đặc biệt giữa thầy thuốc và bệnh nhân
(Dân trí) - Hôm nay tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kỷ niệm ngày công tác xã hội Việt Nam.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở khám chữa bệnh là một môi trường đặc biệt, ở đó thầy thuốc, người bệnh đều rất căng thẳng mệt mỏi, cần sự trợ giúp. Tại bệnh viện, nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục khó khăn, để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
"Lực lượng công tác xã hội là cầu nối để giải quyết các vấn đề giữa người bệnh với nhân viên y tế, giữa người bệnh với người bệnh, giữa người bệnh và người nhà người bệnh", PGS Cơ cho hay.
Theo ông, lực lượng công tác xã hội bảo vệ quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của người bệnh thông qua việc tư vấn các vấn đề xã hội có liên quan người bệnh và gia đình của họ trong suốt quá trình điều trị. Nhân viên công tác xã hội cũng có thể tham mưu về kế hoạch xuất viện của người bệnh và theo dõi sau khi ra viện, chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng như truyền thông sức khỏe, giúp cho các nhóm đặc thù phục hồi phát triển cả thể chất và tinh thần. Ngoài ra sau khi điều trị bệnh, nhân viên công tác xã hội còn giúp người bệnh tái hòa nhập đời sống bình thường.
"Sự ra đời của phòng công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai đã đáp ứng nhu cầu tất yếu về chăm sóc sức khỏe toàn diện về y tế ,tâm lý, xã hội của người bệnh. Từng bước cải thiện và duy trì các mối quan hệ tích cực giữa nhân viên y tế và người bệnh, người nhà người bệnh, nhằm nâng cao sự hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh trong bệnh viện", PGS Cơ nhấn mạnh.
Từ khi nghề công tác xã hội ở Việt Nam chính thức được công nhận vào năm 2010, công tác xã hội trong bệnh viện ngày càng phát triển. Ngành công tác xã hội thực sự có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như sự hài lòng của người bệnh trong chất lượng phục vụ của bệnh viện.
Báo cáo tại Hội nghị, ThS Lê Minh Hiển - Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nêu bật các vai trò của nhân viên công tác xã hội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Theo đó, trong thời gian Covid-19 hoành hành tại TPHCM, lực lượng công tác xã hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ công tác chống dịch, điển hình như:
- Vận động, tiếp nhận, phân phối dụng cụ và thực phẩm tại khu điều trị Covid-19.
- Đồng hành cùng thân nhân, người bệnh nhiễm COVID-19 Thông báo người thân biết bệnh nhân đã nhập viện. "Lực lượng công tác xã hội đã nỗ lực tham gia cập nhật tình trạng bệnh nhân, thông báo tin xấu, trả lời tin nhắn tìm bệnh nhân và tình trạng bệnh nhân cho người thân, liên hệ xe đưa người bệnh mắc Covid-19 đã khỏe mạnh xuất viện…", ThS Hiển cho hay.
- Quản lý, phân công nhóm hướng dẫn khai báo y tế cho khách đến bệnh viện khám bệnh, tiêm ngừa.
Tại Hội nghị, Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em UNICEF Việt Nam đã đưa ra nhiều khuyến nghị để phát triển ngành công tác xã hội tại Việt Nam.
Bà Loan nhận định, nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các vấn đề sức khỏe cộng đồng, thiên tai, thảm họa.
Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp và đại dịch Covid-19, bá Loan khuyến nghị, các cơ sở đào tạo công tác xã hội cần tăng cường đầu tư vào việc đào tạo sinh viên và nhân viên công tác xã hội trong việc ứng phó với sang chấn tâm lý và các biện pháp chuyên biệt để giải tỏa căng thẳng, hoạt động của công tác xã hội trong tình trạng khẩn cấp, thảm họa, thiên tai, đại dịch.