(Dân trí) - Khi Việt lên 7 tuổi, người mẹ quyết định nghỉ mọi công việc, dành toàn bộ thời gian để đồng hành cùng con. Chị quyết tâm cho con một cuộc sống giống những người bình thường nhất có thể.
"Phải bỏ đứa bé nếu không tính mạng của cả mẹ và con đều không giữ được", bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói với người nhà thai phụ Bùi Bích Nguyệt.
Ở tuần thứ 28 của thai kỳ, chị Nguyệt phải nhập viện vì bất ngờ lên cơn khó thở. Tiếp nhận ca bệnh lúc nửa đêm, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kết luận tình trạng này là do tăng huyết áp đột biến, nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Bệnh tình mỗi lúc một nghiêm trọng. Mặc cho nỗ lực của các bác sĩ, huyết áp của chị không khả quan hơn. Thai phụ được điều chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đến Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.
May mắn vẫn chưa mỉm cười, đã qua 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, huyết áp tâm thu của chị Nguyệt vẫn luôn ở quanh mức 210mmHg, thậm chí có lúc vượt ngưỡng 230mmHg.
Chỉ trong một tuần, người phụ nữ 3 lần nằm trên xe cấp cứu đi tìm cơ hội sống cho hai mẹ con. Chiếc xe hú còi báo, lao nhanh về Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
"Chị bị nhiễm độc thai nghén, bây giờ phải lấy cái thai ra không thì cả mẹ và con đều không sống được", kết luận của bác sĩ như dập tắt toàn bộ hy vọng của người mẹ.
Trên tờ giấy xác nhận của bệnh viện, người bố tay run run đi từng nét bút "nặng như chì" vào ô chữ ký.
"Mẹ xin lỗi con trai yêu của mẹ", người mẹ trẻ ghì chặt bụng liên tục gửi lời tiễn biệt đến "thiên thần bé nhỏ" mà chị đã mang nặng suốt 7 tháng qua.
Ánh sáng hy vọng lóe lên lúc tăm tối nhất!
"Oe, oe", cậu bé 7 tháng tuổi cất tiếng khóc gây bất ngờ cho cả phòng mổ. "Chúc mừng, em bé còn sống", phải đến khi được bác sĩ thông báo, chị Nguyệt mới tin vào phép màu vừa xảy ra.
Lọt lòng khi mới 7 tháng, cậu bé chỉ nặng 9 lạng, phải nuôi trong lồng ấp.
Sức khỏe của cậu bé kiên cường cải thiện dần theo thời gian, em được gia đình đặt tên là Trọng Việt. Sau 1,5 tháng chăm sóc đặc biệt, Việt trở về vòng tay mẹ, lúc này em nặng 1,6kg.
Niềm hạnh phúc không kéo dài được lâu, người mẹ lại nhận được tin dữ về căn bệnh của con mình.
"Trọng Việt phát hiện bị bong võng mạc do đẻ non, nếu không điều trị sớm, em bé sau này khả năng sẽ bị mù", bác sĩ thông báo.
Nước Nga, một ngày đầu tháng 9/2009, thời tiết lạnh xuống -20 độ C.
Bế cậu con trai chỉ vừa bằng bàn tay, chị Bích Nguyệt nhìn qua ô cửa sổ máy bay, cảm xúc dần trở nên hỗn độn khi bên ngoài từ từ lộ ra những mái nhà tuyết phủ.
Chị Nguyệt không hề biết tiếng Nga, cũng chưa từng đặt chân đến đất nước xa xôi này. Hành trình vạn dặm của người mẹ bắt đầu chỉ với một thông tin: Trường hợp như Trọng Việt đã từng được điều trị thành công tại Bệnh viện Mắt Saint - Petersburg.
Vừa kết thúc chuyến bay thứ hai đi từ Mát-xcơ-va đến Saint - Petersburg, mặt người mẹ bất chợt biến sắc khi thấy cậu con trai tím tái, lạnh ngắt, lịm dần đi.
"Việt ngừng thở trên tay tôi. Trong giây phút hoảng loạn không biết phải làm gì, may thay có một bác sĩ người Anh gần đó đã tiếp cận để cấp cứu cho con", chị Nguyệt kể.
Sau nỗ lực ép tim ngoài lồng ngực, Trọng Việt trở về từ cõi chết. Tuy nhiên, nhịp thở vẫn còn rất yếu ớt.
Người mẹ Việt bỏ lại hết đồ đạc ở sân bay, vội vàng bế con lên xe cấp cứu hướng về bệnh viện nhi. Trong suốt quãng đường, chị lòng như lửa đốt, cầu nguyện con trai kiên cường chờ được đến lúc tới bệnh viện.
Vì bệnh viện không cho người nhà ở lại vào buổi tối, sáng hôm sau, chị Nguyệt tức tốc mang sữa vào viện cho con.
Sáng sớm chưa có gì trong bụng nên em bị đói. Trọng Việt lúc này bú được 2-3 ngụm sữa thì đột ngột hít một hơi sâu rồi dần dần lịm đi. Chứng kiến cảnh con mình ngất xỉu, đôi chân chị không còn đứng vững, người mẹ hoảng hốt lay con: "Việt ơi, con ơi,...".
"Em bé ngưng tim rồi, chúng tôi sẽ cố hết sức!", một lần nữa, hai mẹ con lại bị ngăn cách bởi ranh giới sinh - tử. Người mẹ chết lặng nhìn theo bóng áo blouse trắng đang bế con mình lao nhanh về phòng hồi sức.
Việt được cứu sống. Nhưng em mắc tình trạng suy hô hấp phải tiếp tục theo dõi và điều trị.
Mất hơn một tháng để Việt bình phục. Tính mạng được giữ lại nhưng cậu bé sinh non đã đánh mất cơ hội mang ánh sáng về cho đôi mắt.
"Mắt của bệnh nhi ở giai đoạn 4. Lúc này là quá muộn, nếu sang sớm hơn thì còn có cơ hội, chứ với trường hợp này thì…", bác sĩ Bệnh viện mắt Saint - Petersburg lắc đầu, bày tỏ sự tiếc nuối.
"Nhưng nếu chị quyết tâm chữa cho con thì 6 tháng sau quay lại đây để kiểm tra. Thế nhưng khả năng thành công cũng không có nhiều", vị bác sĩ nói thêm.
Cũng vì một chút cơ hội, dù rất mỏng manh đó, chỉ trong vòng 3 năm tiếp theo, Trọng Việt đã liên tục được mẹ đưa sang Nga tìm ánh sáng. Phải đến lần thứ 5, người mẹ mới chấp nhận sự thật đôi mắt con mình vĩnh viễn không nhìn thấy được.
Nỗi đau cũ chưa nguôi, trong cùng năm đó, một thông tin đau lòng nữa lại đến với chị.
Để ý con mình hay bị mất tập trung và khó vận động tay chân như đứa trẻ 3 tuổi bình thường khác, người mẹ bấm bụng tự nhủ: "Chắc do con có bệnh về mắt nên phát triển chậm hơn các bạn đồng trang lứa một chút".
Không ngờ rằng, kết luận từ Bệnh viện Nhi Trung ương lại cho chị thêm thông tin xấu về tình trạng của Việt.
"Con được phát hiện bị chậm phát triển hoàn toàn về trí tuệ, như kiểu một dạng bại não", chị Bích Nguyệt ngập ngừng.
Một lần nữa, người mẹ này lại bắt đầu hành trình gian nan với hi vọng: "Làm sao để con mình có được cuộc sống như một đứa trẻ bình thường khác".
Trong suốt 10 năm, chị Nguyệt thử hết các phương pháp chữa trị cho Trọng Việt, từ khoa học đến tâm linh. Thế nhưng các kết quả chị nhận về đều giống nhau.
"Các bác sĩ thường nói với tôi là với tình trạng cháu thế này gần như không giúp được gì nữa, cứ làm hết khả năng thôi", người mẹ nghẹn ngào.
Khi Việt lên 7 tuổi, chị quyết định nghỉ mọi công việc, dành toàn bộ thời gian để đồng hành cùng con. Người mẹ quyết tâm cho con một cuộc sống giống những người bình thường nhất có thể.
Chị đi đâu cũng dắt theo con như hình với bóng, liên tục đưa con đi du lịch dù đứa con của chị, theo lời bác sĩ nói, chẳng thể cảm nhận được cuộc sống ngoài kia.
"Nhiều ròng rã, gác lại cuộc sống của riêng mình để chăm sóc cho con, đã bao giờ chị có suy nghĩ muốn dừng lại không?", phóng viên hỏi.
Người mẹ bất giác bật khóc, cảm xúc dồn nén bấy lâu nay như vỡ òa sau câu hỏi.
Cất giọng run run, chị trả lời: "15 năm kể từ lúc sinh con, tôi chưa ngủ được đêm nào đến sáng, nửa đêm đã phải thức giấc làm tất cả mọi việc".
Tự nhủ phải mạnh mẽ, thế nhưng trường hợp về căn bệnh của Trọng Việt cũng khiến chị khó tránh khỏi những lúc rơi xuống hố sâu tuyệt vọng.
"Gác lại toàn bộ cuộc sống cá nhân, nghỉ việc để đưa Trọng Việt đi trải nghiệm. Tôi thường xuyên nhận được lời khuyên can "dừng lại" của người thân vì lo rằng, việc này chỉ phí công, khi Việt sẽ không thể cảm nhận được gì.
Ngay chính bản thân tôi cũng không dám chắc công sức mình bỏ ra sẽ đem lại kết quả.
Đã có những lần phát hiện bản thân có những biểu hiện của căn bệnh trầm cảm, tôi tự hỏi lòng mình có nên dừng lại hay không…", chị nói ngắt quãng.
Ngập ngừng một lúc lâu, Bích Nguyệt đưa ánh mắt sang đứa con trai ngồi cạnh, trìu mến: "Nhưng khi được nhìn nụ cười và niềm hạnh phúc của con mỗi ngày khi cùng nhau khám phá cuộc sống, mọi áp lực của tôi dường như tan biến".
Sau một lần trải nghiệm đi cano trên biển, Trọng Việt phấn khích thấy rõ, luôn miệng nhắc "đi cano, đi cano". Lần đầu tiên con bày tỏ niềm vui, cũng là lần đầu tiên chị Nguyệt biết được những nỗ lực lâu nay của mình là đúng.
"Nụ cười của con kéo tôi đi lên từ hố sâu và thay đổi cuộc sống của hai mẹ con mãi mãi", người mẹ cười.
Qua những chuyến đi, chị đều hy vọng con mình sẽ hiểu được nhiều điều và năng động hơn với thế giới bên ngoài: "Mỗi khi con cứ đến một nơi nào để ăn, để trải nghiệm thì lần sau bạn ấy nhận ra ngay. Cứ thấy con thay đổi từng chút như vậy, tôi vui lắm".
Năm 2023, người mẹ quyết định đưa con rời khỏi chốn phố thị để về khu ngoại thành Sóc Sơn. "Tôi về đây để sống chậm lại, cùng bạn ấy khám phá những điều tốt đẹp nhất, cho bạn không gian riêng cho thể chất và tâm hồn", chị nói.
Mỗi ngày, chị đồng hành cùng con từ sáng sớm đến tối mịt. Người mẹ kiên trì dạy bảo con thông qua các công việc như: tưới cây, cho cá ăn, nhặt rau... Dẫu vậy, một câu "con yêu mẹ" chị chưa từng được nghe từ Trọng Việt.
Nhưng có lẽ cậu bé đa tật bẩm sinh thể hiện tình yêu qua cách đặc biệt khác. Tình yêu của mẹ là động lực để cậu bé dũng cảm vượt qua những lúc khó khăn, thậm chí cả khoảnh khắc sinh tử cận kề.
Trọng Việt muốn ở bên mẹ, có thể em yêu mẹ bằng cách đó.
Tháng 11 năm 2023, chị Nguyệt vô tình thấy được một bài viết về câu lạc bộ chạy dành cho người khiếm thị trên Facebook. Người mẹ này ngay lập tức nhắn tin cho câu lạc bộ để xin cho Trọng Việt được tham gia.
Từng nhận về nhiều cái lắc đầu của các giáo viên dạy môn năng khiếu cho trẻ khuyết tật, chị Nguyệt thấy đây là cơ hội duy nhất để con có thể "giỏi" một thứ gì đấy. "Chạy không đòi hỏi con phải tư duy quá nhiều", chị Nguyệt chia sẻ.
Thế nhưng thử thách dường như mới chỉ bắt đầu. Với bệnh lý bàn chân bẹt, đi bộ vốn đã khó, việc tham gia chạy nhiều kilomet đối với Việt là một thử thách đặc biệt.
Nhiều người thân, thậm chí cả chồng cũng thắc mắc rằng, vì sao Việt có đôi chân dị tật như vậy nhưng chị vẫn cố ép bạn chạy bộ cho bằng được.
"Có những hôm về nhà, cởi tất con ra là thấy bàn chân phồng rộp lên, bật máu bạn cũng chẳng kêu ca gì. Tôi thương lắm, nhưng vẫn phải cố gắng vì nếu thương khóc con thì không bao giờ con được thành tựu gì trong cuộc đời", người mẹ nói.
7h mỗi ngày, chị Nguyệt thường đưa con đi bộ đến đường ven hồ gần nhà để luyện tập. Trong một tiếng tập luyện cùng con, chị không ngừng động viên và không cho phép con được nản chí.
"Con cố lên", "Sắp về đến đích rồi", "Chỉ còn 2m nữa thôi",... Việt dường như hiểu được và cố gắng hơn trước sự động viên của mẹ Nguyệt.
Ban đầu chỉ với cự ly 100 đến 200 mét đường chạy, cậu bé đã nhanh biểu lộ những cảm xúc không làm chủ được bản thân. Nhưng với nỗ lực đồng hành của mẹ Nguyệt, thành tích của Việt nhích dần từng mươi mét một.
Đồng hành cùng con trên mọi đường chạy, đây cũng là một hành trình đầy gian nan mà chị phải trải qua. Người mẹ nói: "Bản thân vừa bị thoát vị đĩa đệm, vừa bị huyết áp cao, vừa bị viêm cầu thận mãn tính, gần như là người ta không cho mình chạy bộ. Nhưng thương con, tôi mong muốn cho con có được những trải nghiệm quý giá nhất".
"Huy chương đầu tiên bạn đạt được khi tham gia chạy quãng đường 3km dành cho những trẻ em bị bại não", chị tự hào.
Người mẹ chia sẻ thêm: "Lúc đó tôi không nghĩ là con làm được vì sau cuộc phẫu thuật đó, bàn chân của Trọng Việt phải cố định thêm 2 chiếc đinh cả cuộc đời. Nhưng con đã cố gắng hết sức mình và đến nay đã chinh phục được 8km đường chạy".
"Mẹ đi chạy ạ", như một thói quen mỗi sáng hai mẹ con lại xỏ giày, sau câu hỏi chưa tròn nghĩa của Trọng Việt.
Người mẹ trên mặt đã xuất hiện nhiều nếp nhăn, từng bước vững chãi, nắm chặt tay cậu con trai. Cậu thanh niên với dáng người khỏe khoắn lại cười khoái chí khi được làm một điều mình thích.
"Một ngày tôi dành thời gian chạy bộ cùng Việt không phải là nhiều, nhưng tôi nhận ra đó là khoảng thời gian yên bình nhất", người mẹ tâm sự.
Ở vị trí trang trọng nhất trong tổ ấm của gia đình nhỏ này treo 8 tấm huy chương hoàn thành các giải chạy khắc tên "Nguyễn Trọng Việt". Chị Bích Nguyệt gọi đó là niềm tự hào lớn nhất.
Niềm tự hào của nhiều người mẹ là khi con đỗ đại học hay công thành danh toại. Nhưng với chị, "biết nhặt rau", "biết hát", "biết chạy"… chính là những thành tựu lớn của cậu con trai dành tặng mẹ.
Cũng như cách chị mở đầu cuộc trò chuyện với lời giới thiệu về cậu con trai đa khuyết tật: "Đây là Trọng Việt con trai tôi. Việt bị bại não, khiếm thị, bàn chân bẹt và cũng là món quà quý giá nhất mà ông trời đã trao tặng cho tôi".