Cậu bé 7 tuổi bị kẹt lưỡi trong chai và cách xử lý xuất sắc của các bác sĩ

(Dân trí) - Các bác sĩ đã giải phóng được lưỡi của cậu bé bị kẹt trong chai nhờ một mẹo nhỏ thường được sử dụng để mở nắp chai rượu vang khi không có dụng cụ mở chuyên dụng.

Khi một cậu bé 7 tuổi người Đức bị kẹt lưỡi trong chai nước trái cây do nghịch ngợm, mẹ cậu bé đã phải đưa con đến phòng cấp cứu vì không thể kéo ra được.

Thông thường với những tai nạn như thế này, các bác sĩ sẽ phải gây mê cho bệnh nhân và cắt bỏ vật đang khiến lưỡi bị mắc kẹt. Nhưng lần này, một bác sĩ đã nhớ ra mẹo mà ông đã từng sử dụng để mở chai rượu vang khi không thể tìm thấy cái mở nút chai.

Cậu bé 7 tuổi bị kẹt lưỡi trong chai và cách xử lý xuất sắc của các bác sĩ - 1

Rất may là các bác sĩ không đập đầu cậu bé vào tường cho đến khi cái chai bị lỏng ra. Thay vào đó, họ bơm khí qua ống cannula (dây truyền TM bằng nhựa mảnh) vào trong chai. Và nó đã có tác dụng.

Trưởng nhóm nghiên cứu, BS. Christoph Eich, thuộc Bệnh viện Nhi đồng Auf de Bult của Đức, cho biết các bác sĩ nên thử phương pháp này trước khi nghĩ đến gây mê. Áp lực dương đã được chứng minh là một kỹ thuật đơn giản, hiệu quả và an toàn để giải phóng lưỡi bị kẹt vào miệng chai.

Lúc đầu, các bác sĩ đã cố luồn ống thông vào giữa lưỡi của cậu bé và miệng chai để cho không khí thoát ra khỏi khoảng chân không đã hình thành bên trong, nhưng cách này đã không có tác dụng. Sau đó, BS. Eich nhớ lại cách ông đã làm khi phải ứng biến để mở nút chai rượu.

BS. Eich và nhóm của ông đã chế một chiếc bơm bằng cách cắm một dây truyền tĩnh mạch vào đầu một ống tiêm 20mm rỗng. Phải mất một vài lần bơm, nhưng cuối cùng áp lực đã giải phóng được lưỡi cậu bé ra khỏi chiếc chai.

Đây chính là cách mà dụng các công cụ mở nút chai rượu bằng áp suất không khí hoạt động: Chúng bơm không khí vào chai đẩy nút chai bật ra.

Cậu bé phải nằm viện qua đêm để theo dõi, bị sưng và bầm tím lưỡi trong vài ngày do tổn thương mao mạch, nhưng đã bình phục hoàn toàn trong vòng hai tuần.

Bị kẹt lưỡi là tai nạn khá hi hữu, nhưng hay xảy ra ở trẻ em vốn nghịch ngợm và không biết về nguy cơ lưỡi có thể bị mắc kẹt. Nếu tai nạn xảy ra, tốt nhất là nên đến bệnh viện để điều trị vì bị lưỡi bị kẹt có nguy cơ bị phù và thiếu máu.

Cẩm Tú (Theo PM)