Cấp cứu tai nạn - những điều cần lưu ý
(Dân trí) - Trong ngày Tết, tai nạn giao thông là một trong những tai nạn hay gặp nhất. Có nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ bị chấn thương nhẹ nhưng không được sơ cứu đúng cách gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Theo bác sĩ, thạc sĩ Đỗ Danh Quỳnh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Việt Đức, khi sơ cứu trường hợp bị tai nạn giao thông, cần chú ý những vấn đề dưới đây:
1. Cần băng bó vết thương cho bệnh nhân để tránh tình trạng chảy máu kéo dài dẫn đến mất máu, người bệnh sẽ bị suy kiệt sức khoẻ nhanh chóng. Có thể băng vết thương bằng garo nhưng không được băng quá mạnh. Nên băng garo ở phía trên vết thương chảy máu, như vậy sẽ hạn chế được tối đa lượng máu chảy ra.
2. Cố định vết thương gãy cho bệnh nhân trước khi chuyển tới bệnh viện. Cần đặt bệnh nhân ở tư thế nằm và không nên có những tác động vào vết gãy, tuyệt đối không kéo, nắn xương cho bệnh nhân vì tất cả những can thiệp đó có thể làm cho xương bị di lệch thêm.
Nên nẹp tạm thời chỗ xương gãy lại, để hạn chế di động của xương và để người bệnh đỡ đau, sau đó đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.
3. Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện ở tư thế nằm, nhất là khi bệnh nhân bị hôn mê, bất tỉnh. Khi nhấc bệnh nhân, tuyệt đối không được bế xốc bổng hay bế gập người bệnh nhân mà phải vận chuyển bệnh nhân ở tư thế nằm. Cần từ 2-3 người nhấc người bệnh lên bằng cách một người luồn tay sau đầu, gáy; một người hai tay đỡ lưng, người còn lại đỡ chân và đùi để duy trì bệnh nhân ở tư thế song song với mặt đất rồi đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương.
4. Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm đầu hơi cao. Tư thế này sẽ hạn chế được tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị huyết áp thấp, hoặc bệnh nhân có bệnh sọ não cần lưu ý không nên đặt nằm ở tư thế đầu quá cao.
5. Kiểm soát đường hô hấp cho bệnh nhân. Sơ cứu trong bất cứ trường hợp nào cũng phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân. Có nhiều trường hợp chấn thương không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng do miệng, mũi bệnh nhân bị đất, cát chui vào cùng với đờm dãi khiến người bệnh bị ngạt thở, do không được phát hiện kịp thời nên dẫn đến tử vong.
Cùng với việc sơ cứu vết thương cho bệnh nhân, phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Cần móc ngay đờm, dãi, răng giả (nếu có) ra khỏi miệng, mũi người bệnh rồi dùng khăn ẩm lau sạch để người bệnh có thể tự thở.
Nếu bệnh nhân ngừng thở thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo, vì nếu ngưng đường thở trong vòng 3 phút có thể làm chết não và quá 5 phút có thể gây chết tim.
Nhìn chung, khi bị tai nạn, cần tính hành sơ cứu tại chỗ nhanh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không nên kéo dài thời gian sơ cứu mà phải chuyện bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Những bước sơ cứu ban đầu theo những lưu ý trên có ý nghĩa rất lớn đến tình trạng bệnh của bệnh nhân sau này.
Hồng Hải