1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cấp cứu nam sinh 11 tuổi khó thở nặng, nguy kịch vì thói quen ngậm bút bi

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đang ngậm bút bi, nam sinh lớp 6 vô tình nuốt phải đầu nút bấm bằng nhựa, sau đó lâm vào tình trạng khó thở nặng và nguy kịch.

Ngày 3/1, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi này vừa cứu kịp thời một trường hợp hóc dị vật nguy hiểm.

Bệnh nhân là một học sinh lớp 6 (quê Tiền Giang), được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở nặng, ho nhiều sặc sụa và sốt.

Cấp cứu nam sinh 11 tuổi khó thở nặng, nguy kịch vì thói quen ngậm bút bi - 1

Các bác sĩ tiến hành nội soi lấy dị vật cho cậu học sinh lớp 6 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Trước đó 7 ngày, bé trai đã có dấu hiệu bất thường, được một phòng khám tư gần nhà chẩn đoán viêm đường hô hấp trên. Theo thời gian, triệu chứng ho, khó thở và sốt âm ỉ cứ tăng dần.

Khai với bác sĩ, bé cho biết có ngậm bút bi và vô tình nuốt phải nút bấm bằng nhựa trên đầu bút.

Kiểm tra phổi nghe âm thanh ứ đọng, kèm với hình chụp X-quang, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi đã hóc dị vật đường thở, hội chứng xâm nhập. Ekip nội soi lập tức được điều động đến phòng mổ, phối hợp với ekip gây mê, tiến hành gắp dị vật nằm bít lòng phế quản trung gian phổi cho cháu bé.

Đúng như dự đoán, dị vật là đầu nhựa bút bi được lấy ra trong tình trạng nham nhở xước bởi các chất tiết đàm nhớt. Sau can thiệp, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.

Cấp cứu nam sinh 11 tuổi khó thở nặng, nguy kịch vì thói quen ngậm bút bi - 2

Đầu nhựa bút bi sau khi được lấy ra (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Các bác sĩ cho biết, thời điểm lễ, Tết, tai nạn dị vật hóc sặc xảy ra rất phổ biến ở trẻ em, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Những dị vật nguy hiểm như pin hoặc các loại đậu hạt đầu nhọn dễ làm bít lòng phế quản và trầy xước, tắc nghẽn đường thở. Nếu không được phát hiện sớm mà trẻ lại không biết nói hoặc sợ không dám nói, tai họa và biến chứng về sau hết sức khôn lường.

"Các gia đình có con nhỏ tuyệt đối không bao giờ để các cháu một giây phút nào ra ngoài tầm mắt người lớn. Đặc biệt những nhà có con nhỏ, trong nhà không nên có bất cứ một vật gì có thể vừa vào miệng trẻ. Chỉ cần lơ đễnh một phút là tai nạn có thể xảy ra" - bác sĩ cảnh báo.