1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cấp cứu bé 12 tháng tuổi bị đinh cắm vào đầu sau khi ngã

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo giải thích của gia đình, cháu bé bị đinh cắm vào do bị ngã từ trên ghế xuống nền nhà.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) đã cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhi bị đinh cắm vào đầu.

Theo đó, cháu bé 12 tháng tuổi (địa chỉ tại Lóng Phiêng, Yên Châu), được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng một chiếc đinh cắm vào đầu vùng chẩm phải.

Theo giải thích của gia đình, cháu bé bị đinh cắm vào đầu do bị ngã từ trên ghế xuống nền nhà.

Cấp cứu bé 12 tháng tuổi bị đinh cắm vào đầu sau khi ngã - 1

Chiếc đinh cắm vào đầu bệnh nhi.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi được chụp cắt lớp vi tính sọ não xác định mức độ tổn thương, thăm khám lâm sàng cùng các xét nghiệm và hội chẩn toàn viện mổ cấp cứu tháo đinh.

BS Lê Anh Tuấn và BS Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên ngành Sọ Não và Thần kinh - khoa Chấn Thương Chỉnh Hình trực tiếp phẫu thuật cho cháu bé.

Cấp cứu bé 12 tháng tuổi bị đinh cắm vào đầu sau khi ngã - 2

Ảnh chụp cắt lớp xác định vị trí chiếc đinh.

Sau những giây phút "nín thở" trong phòng phẫu thuật, chiếc đinh dài 9mm đã được lấy ra an toàn, cháu bé qua giai đoạn nguy kịch, chuyển phòng hậu phẫu theo dõi tiếp tình trạng toàn thân.

Từ trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo các gia đình có trẻ nhỏ luôn cẩn thận với các đồ vật sắc nhọn. Sắp xếp gọn gàng các vật sắc nhọn (dao, kéo), các dụng cụ lao động (cày, bừa, liềm, hái...) trong giá treo, ngăn kéo ngoài tầm với của trẻ hoặc kho có khóa để không gây thương tích cho trẻ; bịt các góc nhọn ở cạnh bàn khi nhà có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Cấp cứu bé 12 tháng tuổi bị đinh cắm vào đầu sau khi ngã - 3

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy đinh cho bệnh nhi.

Khi gặp tình huống bất ngờ phải bình tĩnh sơ cứu và đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất.

Cần lưu ý rằng, tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Với bản tính thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích. Nếu người lớn bất cẩn trong quá trình chăm nom trẻ thì dù ở môi trường nào trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…

Ngoài việc cung cấp môi trường sống an toàn cho trẻ trong gia đình, trẻ cần luôn có sự quan tâm giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ, để giảm tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ một cách dễ dàng. Cần dạy cho trẻ biết về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.