1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cao ngựa bạch không phải thần dược

Gần đây Hà Nội đang lên cơn sốt về cao ngựa bạch. Nhiều lời đồn thổi “thực thực, hư hư” đã đẩy cao ngựa bạch lên thành một thần dược có thể trị được bách bệnh.

Không hiếm các “chuyên gia dinh dưỡng”, “bác sĩ”, “dược sĩ” đã cao giọng khẳng định cao ngựa bạch thích hợp với cả người lớn, trẻ nhỏ, đặc biệt là “chữa” các bệnh từ như suy nhược cơ thể, phổi, đến yếu sinh lý và cả ung thư. Những miếng cao màu nâu, đen đang bày bán tràn lan với giá cả từ vài trăm ngàn đến 3 triệu đồng thực chất chỉ có giá trị như những viên thuốc bổ sung canxi không hơn không kém.

Sản
phẩm cao ngựa bạch với lời quảng cáo thần dược
Sản phẩm cao ngựa bạch với lời quảng cáo thần dược

Lập lờ đánh lận con đen

Chúng tôi đến phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm được gọi là “chợ thuốc Đông y”. Ở phố này, các hàng thuốc bắc, thuốc nam san sát nhau, nhà nào cũng có quầy bày bán thuốc. Lên phố Lãn Ông có thể mua cao ngựa bạch ở bất cứ cửa hàng nào dễ như mua khoai.

Chỉ đi từ đầu phố đến cuối phố, hỏi 3 hàng bán thuốc khác nhau thì chúng tôi nhận được 3 giá khác nhau. Giá cao nhất là 1,2 triệu đồng còn thấp nhất là 300 ngàn đồng/100 gram. Khi chúng tôi tỏ ý phân vân không biết cách phân biệt cao ngựa bạch thật giả thì nhận ngay được bài học vỡ lòng về cách nhận biết màu màu cánh gián (sẫm hay nhạt là do cách nấu của từng cơ sở), mặt hơi mịn, hơi bóng, cao càng khô độ bóng sẽ giảm. Cao giả là “miếng cao trong suốt” thì thành phần chủ yếu là sáp ong còn “loại cao có nhiều hạt trắng” là do người nấu chạy theo lợi nhuận nghiền bã xương đã nấu trộn vào.

Tỉnh táo suy nghĩ lại thì mấy cái đặc điểm nhận dạng, phân biệt thật giả của các bà hàng thuốc đều chẳng có căn cứ gì tin cậy. Chúng tôi bụng bảo dạ, có thách kẹo cũng chẳng có ông “chuyên gia” nào đến Lãn Ông mà dám khẳng định những miếng nâu nâu, cứng cứng, chẳng mùi vị, nhãn mác gì là cao ngựa bạch hay là làm từ các loại xương chó, lợn hay bằng những chất gì có độc hại hay không?

Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Lân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM: “Thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại cao xương ngựa không rõ nguồn gốc, không nhãn mác và không có hạn sử dụng. Bản chất của cao xương ngựa chỉ là một loại thực phẩm chức năng. Khi có nhu cầu và khả năng người tiêu dùng cần đặc biệt cẩn trọng khi lựa chọn”.

Cao ngựa bạch hàng chợ đã như vậy, các công ty, nhãn mác đầy đủ cũng chẳng khá hơn. Mới đây, những thông điệp “có cánh” của Công ty CV ra rả trên các phương tiện truyền thông, nhan nhản trên Internet như “đưa cao xương ngựa thành một loại thực phẩm chức năng của thời đại”, “tiên phong khi đưa cao xương ngựa vào chuẩn sản xuất với nhiều công đoạn công phu và đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), dinh dưỡng”, “sản phẩm được chế biến từ những nguyên liệu tự nhiên thuần khiết”… Nhưng sau đó, Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc đã kết luận Công ty CV chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vệ sinh ATTP đối với bao bì sản phẩm. Cả 3 sản phẩm của công ty có ghi nhãn thiếu nội dung thành phần của sản phẩm. Hóa đơn nguyên liệu không ghi rõ nguyên liệu đầu vào, nhưng thành phẩm lại có 3 loại với 3 tên gọi khác nhau là cao ngựa màu, cao ngựa bạch và cao ngựa kim. Qua xét nghiệm, hàm lượng đạm trong sản phẩm cao ngựa màu không đạt so với tiêu chuẩn sản phẩm. Không chỉ dừng lại ở hàm lượng đạm không đạt chuẩn, nguồn gốc của những lạng “thần dược bá bệnh” này theo chính hóa đơn chứng từ nguyên liệu, của công ty trình cho thanh tra là mua xương ngựa của một cơ sở ở Hà Đông.

Huyễn hoặc cao ngựa bạch

Một trong những phương thuốc từ ngàn xưa của cha ông để lại là nấu cao xương động vật hoặc cả con vật đến cao lá. Khi đó, công nghệ chế biến thuốc còn ở dạng thô sơ nên không thể đảm bảo an toàn, vệ sinh được. Việc khoác lên những tấm áo huyền bí, đẩy giá cả lên cao như một loại thần dược chính là phương thức lừa bịp những người thiếu hiểu biết.

Theo Hiệp hội Thú y Việt Nam, hiện nay ngựa bạch đang trên đà tuyệt chủng chỉ còn khoảng 500 cá thể. Những năm gần đây, để bảo tồn gen giống ngựa bạch đã có hai trại nuôi ngựa bạch là dự án Bá Vân tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (15 cá thể) và dự án tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn (50 cá thể). Hai trung tâm này đang tích cực gây giống và bảo tồn ngựa bạch bằng phương pháp lai tạo với giống ngựa bạch Tây Tạng.

Để phân biệt ngựa bạch thuần chủng và ngựa trắng (ngựa kim) thông thường, trong dân gian có 6 điểm chính như sau: Mắt ngựa bạch có màu trắng mây, xung quanh con ngươi có 1 vành màu đồng lửa nhìn như mắt hổ rất dữ tợn. Khi mặt trời đứng bóng mắt ngựa bạch sẽ bị lòa. Trời tối, mắt ngựa bắt bóng đèn đỏ như cục lửa. Các lỗ tự nhiên (bộ phận sinh dục, mũi, mõm…) có màu hồng đỏ, 4 chân có móng sừng trắng ngà. Cuối cùng là “dùng đèn chuyên dụng” vào giờ chính Tuất (20 giờ) soi vào đồng tử ngựa bạch sẽ chuyển từ hình tròn sang dạng hình chữ nhật nằm ngang. Từ xưa, xương ngựa bạch hoặc sơn dương cùng xương khỉ đã được dùng phối chế với xương hổ để tạo ra loại cao hổ cốt. Hiện nay hổ ở Việt Nam đã tuyệt chủng nên cao ngựa bạch càng ngày càng có giá. Sự liên tưởng giữa ngựa bạch với hổ từ những đặc điểm “nhìn như mắt hổ rất dữ tợn”, “mắt lửa”… đã phần nào chứng minh cho giá trị cao ngựa bạch.

Trong thực tế, theo các chuyên gia trại ngựa Bá Vân thì phân biệt ngựa bạch với ngựa trắng rất đơn giản là ngựa bạch thì 9 lỗ trên người đều có màu trắng, hồng đồng thau trong khi ngựa trắng thường thì vành mắt có màu đen. Như vậy, trên thế giới nhiều nước cũng có ngựa bạch như Arập, Mỹ, Camarillo, Tây Tạng… chỉ khác là màu tròng mắt giống ngựa này có màu xanh như mắt mèo, màu nâu hoặc màu đen.

Hiện nay, trên một số tờ báo điện tử, website thông tin của Công ty CV, VT, HB… đang dùng chiêu tung hỏa mù để đẩy giá “cao ngựa bạch” trên mạng Internet. Người ta liệt kê tác dụng thần kỳ để chữa các loại bệnh hiếm gặp của cao ngựa bạch như: tăng trưởng xương, chống còi xương, phục hồi thoái hóa khớp, chống suy nhược cơ thể đến chống hen, chữa bệnh phổi, suy tim đến cả yếu sinh lý, hỗ trợ chống bệnh ung thư. Đối tượng sử dụng thì đủ mọi thành phần, từ người bệnh liệt giường liệt chiếu đến trẻ em sơ sinh, cứ dùng vào là bệnh nào cũng lui, phát triển khoẻ mạnh hơn hẳn người thường.

Có thể nói, ngựa bạch thuần chủng là giống ngựa quý của nước ta. Một số quốc gia trên thế giới đã xếp ngựa bạch vào danh sách cần được bảo vệ. Ở Việt Nam, chưa có quy định về việc bắt giữ người sát hại, tàng trữ, mua bán trái phép ngựa, xương ngựa bạch, cao ngựa bạch. Hoạt động kinh doanh, chế biến các sản phẩm ngựa bạch trong đó có cao ngựa bạch cũng chưa được nghiêm cấm, hoặc siết chặt quản lý. Như vậy, khả năng ngựa bạch trong tự nhiên sẽ nhanh chóng tuyệt chủng trong sự thờ ơ của các ban, ngành quản lý và “tiêu thụ” của những người đang mê muội tin vào thứ thần dược trị bách bệnh có tên cao ngựa bạch.

Theo Tùng Dương

Petrotimes