Cảnh giác với triệu chứng rối loạn tiết niệu ở nam giới

Hồng Hải

(Dân trí) - Xuất hiện tình trạng rối loạn tiết niệu như bí tiểu, tiểu nhiều lần, nhiều nam giới chủ quan. Khi các triệu chứng rầm rộ hơn, bệnh nhân đi khám tiết niệu lại được chuyển sang bệnh viện ung bướu.

Ths.BS CKII Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện K cho biết, thực tế điều trị tại bệnh viện cho thấy, hầu hết bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến đến viện khi đã ở giai đoạn tiến triển hoặc đã di căn.

Theo BS Giang, đặc thù bệnh biểu hiện triệu chứng gián tiếp ở hệ tiết niệu. Hầu hết bệnh nhân sau một thời gian chịu đựng các triệu chứng ở hệ tiết niệu rồi mới đi khám. Sau đó, được chuyển sang bệnh viện chuyên về ung bướu khiến họ rất bất ngờ, bởi vốn dĩ chỉ nghĩ đến viêm tiết niệu thông thường.

Cảnh giác với triệu chứng rối loạn tiết niệu ở nam giới - 1

Ứng dụng chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến tại Bệnh viện K.

Bệnh ung thư tiền liệt tuyến triển trong nhiều năm, nhưng cái khó là ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng lâm sàng, hoặc biểu hiện là những rối loạn tiết niệu ở nam giới và hầu hết mọi người chủ quan với các dấu hiệu này.

"Mọi người phải hết sức chú ý khi xuất hiện các rối loạn tiết niệu như bí tiểu, tiểu khó, rát, nhiều lần; xuất tinh ra máu, xuất tinh bất thường. Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư tiền liệt tuyến, nên đi khám sớm. Trong trường hợp không phải ung thư, bệnh nhân cũng được điều trị các bệnh tiết niệu gây ra triệu chứng đó để có chất lượng cuộc sống tốt hơn", BS Giang khuyến cáo.

BS Giang thông tin thêm, với bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nghi ngờ khi đi khám, ngoài khám lâm sàng, phương pháp kinh điển không đắt tiền là thăm trực tràng, siêu âm nội trực tràng, sinh thiết tuyến tiền liệt cần phải thực hiện để chẩn đoán bệnh.

Ung thư tiền liệt tuyến có rất nhiều phương pháp điều trị, từ điều trị nội tiết, phẫu thuật cắt tinh hoàn, xạ trị... Càng phát hiện sớm, tiên lượng điều trị càng tốt. Tại Bệnh viện K nhiều phương pháp điều trị hiện đại được áp dụng, hầu hết bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến sống thêm 5 năm, có nhiều người kéo dài cuộc sống tới 10-20 năm, được coi là khỏi hẳn, với chất lượng cuộc sống tốt.