Chỉ số PSA có ý nghĩa gì với ung thư tiền liệt tuyến?
(Dân trí) - Nhiều người băn khoăn, khi đi khám bệnh lý liên quan tuyến tiền liệt thường được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm PSA. Xét nghiệm này có ý nghĩa như thế nào với ung thư tiền liệt tuyến?
Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý ác tính thường gặp ở nam giới cao tuổi. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện.
Xét nghiệm PSA và kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt được ứng dụng cho phép tầm soát, chẩn đoán sớm các ca bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Chỉ số PSA được đánh giá là bước đột phá trong việc phát hiện và điều trị ung thư tiền liệt tuyến.
Chỉ số PSA là gì?
PSA là một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, được tiết ra từ các tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt.
Phần lớn PSA trong máu đều gắn với các protein huyết tương. Chỉ có khoảng 30% PSA tự do không gắn với các protein. Các PSA tự do này không có khả năng phân hủy protein. Đây chính là lý do chỉ số PSA được coi là dấu ấn của ung thư tiền liệt tuyến.
Tỷ lệ chỉ số PSA tự do/PSA toàn phần được dùng để chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến nếu nồng độ PSA tự do nằm trong khoảng 4 - 10 ng/ml. Nếu tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần dưới 15%, nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến là rất cao.
Khi nào nên xét nghiệm?
Các chuyên gia khuyến cáo, nam giới từ 50 trở lên nên thực hiện xét nghiệm PSA hàng năm để sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.
Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng nên tiến hành sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến từ năm 40 tuổi trở đi.
Xét nghiệm PSA được dùng để theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị ung thư tiền liệt tuyến cũng như nguy cơ tái phát bệnh. Tùy theo từng mức độ bệnh cụ thể, xét nghiệm PSA cần được theo dõi sau khi điều trị ung thư tiền liệt tuyến từ 6 đến 36 tháng.
Chỉ số PSA như thế nào cảnh báo nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến
Đối với người bình thường, chỉ số PSA toàn phần trong máu sẽ rất thấp (dưới 4 ng/mL). Tuy nhiên, càng lớn tuổi kích thước của tuyến tiền liệt sẽ càng tăng cao.
Chỉ số PSA là dấu ấn của ung thư tiền liệt tuyến. Cụ thể như sau:
Khi nồng độ PSA trong máu tăng cao, nam giới có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến. Giá trị giới hạn để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt của chỉ số PSA toàn phần trong huyết tương ≥ 4ng/ml, độ đặc hiệu khoảng 91% và độ nhạy khoảng 21%.
Khi mắc ung thư tiền liệt tuyến tốc độ tăng PSA toàn phần trong máu sẽ tăng nhanh hơn bình thường. Những người có tốc độ tăng PSA toàn phần từ 0.75 ng/mL/năm trở lên sẽ có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn.
Những người có tốc độ tăng PSA < 0.75 ng/mL/năm có nguy cơ mắc bệnh tuyến tiền liệt lành tính.
Tuy nhiên, không phải cứ có nồng độ PSA trong máu tăng cao đồng nghĩa với việc bị mắc ung thư tiền liệt tuyến. Một số tình trạng bệnh lý khác cũng có thể dẫn đến tăng nồng độ PSA trong máu như: viêm tuyến tiền liệt, Phì đại tuyến tiền liệt lành tính , bí đái phải đặt sonde niệu đạo...
Do đó, để chẩn đoán chính xác hơn ung thư tiền liệt tuyến, người bệnh cần định lượng chỉ số PSA tự do và tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần.
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh.