1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh giác với bánh trung thu nấm mốc, “ngậm” chất bảo quản

(Dân trí) -Trong 50 mẫu bánh trung thu được lấy kiểm nghiệm trong dịp Tết Trung thu năm 2009, cơ quan chức năng phát hiện nhiều mẫu bánh có sử dụng chất bảo quản vượt giới hạn cho phép; phát hiện có một số mẫu bị nhiễm nấm mốc vượt giới hạn cho phép…

Cảnh giác với bánh trung thu nấm mốc, “ngậm” chất bảo quản - 1
Khi chọn bánh Trung thu, kể cả bánh của công ty hay bánh được sản xuất thủ công
(nhưng vẫn có đăng ký kinh doanh, công bố chất lượng, bánh cổ truyền của làng nghề),
người dân cần xem kỹ hạn sử dụng, quan sát kỹ vỏ bánh để phát hiện nấm mốc (Ảnh: H.Hải)
 
TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Giám đốc Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết: Trong 50 mẫu được lấy để kiểm nghiệm này thì các mẫu không đạt đều tập trung chủ yếu ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và gia công.

Cụ thể, trên tổng số 50 mẫu phân tích cho thấy, nhiều mẫu bánh gia công “ngậm” đồng thời cả hai chất bảo quản là axit benzoic và axit sorbic, đáng nói hàm lượng dùng để bảo quản bánh vượt tiêu chuẩn quy định. Trên thực tế, hai chất bảo quản  này đều nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng nếu vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ ảnh hưởng không tốt đến gan, thận, thậm chí nếu tích tụ nhiều và lâu ngày có thể gây ra ung thư.

Trước thị trường bánh trung thu rất đa dạng, ngoài các loại bánh có thương hiệu từ lâu, số bánh gia công và trôi nổi cũng rất nhiều. Việc gia công bánh tại những cơ sở sản xuất bánh nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo sẽ ảnh hưởng tới chất lượng bánh. Vì thế, trong mùa Trung thu này, theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện đã và đang triển khai giám sát chủ động về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các sản phẩm bánh trung thu ngoài thị trường.

Bà Hảo cho biết thêm, trong hai loại bánh dẻo và bánh nướng thì nguy cơ bánh dẻo bị lên men, nấm mốc cao hơn hẳn so với bánh nướng. Vì bánh dẻo thì được làm theo kiểu nhồi ruột vào vỏ chín (đậu xanh tạo men nhanh nên dễ bị lên men, nấm mốc hơn) và đóng khuôn thành phẩm. Còn bánh nướng thì đảm bảo hơn do được qua quá trình xử lý nhiệt. Vì thế, khi chọn bánh, người dân cần phải để ý xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra phải quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không. “Để tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần tuyệt đối không mua những bánh có dấu hiệu bị mốc, không sử dụng bánh đã hết hạn hoặc không ghi hạn sử dụng; mua các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và có đăng ký chất lượng”, bà Hảo nhấn mạnh.

Không chỉ phía người tiêu dùng mà theo bà Hảo, các cơ sở sản xuất cần thực hiện nghiêm túc trong công tác vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sản phẩm an toàn. Đó là sử dụng  các nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phải có công bố tiêu chuẩn sản phẩm tại các cơ quan có thẩm quyền. Sản xuất đúng quy trình để giảm nguy cơ ô nhiễm hóa học cũng như vi sinh trong thực phẩm. Sử dụng các chất phụ gia trong danh mục cho phép của Bộ Y tế…

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm