Cảnh giác với 8 nguồn tia cực tím gây tổn thương da ít người để ý

(Dân trí) - Mặt trời là nguồn bức xạ tia cực tím (UV) lớn nhất, là thủ phạm gây ra hầu hết các trường hợp ung thư da . Tuy nhiên, còn có những nguồn phát bức xạ tia cực tím khác mà ít người để ý.

Cảnh giác với 8 nguồn tia cực tím gây tổn thương da ít người để ý - 1

Đèn chiếu tia UV trong các tiệm làm móng

Theo Quỹ Ung thư da, ước tính cứ 5 người Mỹ thì có 1 người sẽ bị ung thư da cho đến tuổi 70. Ngay cả khi bức xạ UV không dẫn đến ung thư da, nó có thể gây lão hóa sớm (nếp nhăn), làm hỏng mắt (làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể) và ức chế hệ thống miễn dịch. May mắn thay, cả ung thư da và lão hóa sớm đều có thể phòng ngừa được với các biện pháp thích hợp, như sử dụng kem chống nắng, và bạn có thể bảo vệ mắt bằng kính râm chống tia UV phù hợp.

"Hầu như tất cả kính râm đều có khả năng chống tia UVA", Mark Fromer, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York cho biết. Tia UVA có thể gây đục thủy tinh thể và/hoặc thoái hóa hoàng điểm, trong khi tia UVB có thể làm bỏng mi mắt. "Kính râm đơn thuần không phải lúc nào cũng đủ để bảo vệ chống lại UVB, vì vậy hãy đội thêm một chiếc mũ rộng vành."

Nhưng, điều quan trọng cần biết là mặt trời không phải nguồn tia UV gây hại duy nhất. Nhưng trước khi xác định các nguồn bức xạ UV chính khác, bạn cần biết bức xạ UV có nghĩa là gì.

Bức xạ UV là gì?

Bức xạ UV là một dạng bức xạ điện từ, một loại năng lượng cũng bao gồm sóng vô tuyến, sóng vi ba, hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy, tia X và tia gamma. Bức xạ UV có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy, vì vậy bạn không thể nhìn thấy nó, nhưng da của bạn có thể cảm nhận được nó, Quỹ Ung thư Da giải thích. Có nhiều loại tia UV khác nhau; chúng được phân loại dựa trên mức năng lượng mà chúng phát ra. Tia UVB phát ra nhiều năng lượng hơn tia UVA và có thể làm tổn thương da do bỏng nắng và ung thư da. UVA xuyên sâu hơn và có thể tăng tốc độ lão hóa da, gây ra nếp nhăn. Tia UVA chiếm tới 95% bức xạ UV đến trái đất và có thể xuyên qua các cửa sổ và đám mây.

Dưới đây là một số nguồn bức xạ tia cực tím khác ngoài mặt trời có thể gây tổn thương da và mắt.

Giường tắm đèn (tanning bed)

Tiếp xúc không an toàn với tia UV mặt trời là nguồn gây hại số 1 cho da và mắt, nhưng giường tắm đèn là nguồn gây hại thứ hai. Tắm đèn trong nhà có thể gây ra 400.000 trường hợp ung thư da ở Mỹ mỗi năm, theo Hội Da liễu Mỹ.

Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế và Tổ chức y tế thế giới coi giường tắm đèn trong nhà là tác nhân gây ung thư nhóm 1.

Điều này có nghĩa là chúng gây ung thư ở người, bao gồm u hắc tố ác tính, một dạng ung thư da có khả năng đe dọa tính mạng. "Nguy cơ ung thư này ngang bằng với thuốc lá", TS Jordan B. Slutsky, Đại học Stony Brook ở New York nói. "Giường nhuộm da sử dụng ánh sáng UVA đâm sâu hơn vào da, gây ung thư da và lão hóa sớm", ông giải thích. "Những người trẻ tuổi không muốn bị những vết hằn rám nắng nên họ thường cởi bỏ hoàn toàn khi sử dụng giường tắm đèn và làm tăng nguy cơ ung thư da ở mông, bẹn và ngực, những nơi thường được quần áo che phủ".

Hãy nói không với tắm đèn trong nhà, ông kêu gọi.

Đèn hơi thủy ngân

Loại đèn này thường được sử dụng trong các sân vận động và phòng tập thể dục trường học. Nó bao gồm một bóng đèn bên trong phát ra ánh sáng và tia UV, và một bóng đèn bên ngoài lọc tia UV. "Có nguy cơ bị bỏng do tiếp xúc với bức xạ cực tím trong trường hợp bóng đèn bị vỡ hoặc không được che chắn, ví dụ như bóng đèn bị vỡ trong phòng tập thể dục khi bị bóng đập vào và không được thay thế kịp thời", BS Andrew Alexis giám đốc Trung tâm Skin of Color tại Mount Sinai West, thành phố New York nói. "Nếu bóng đèn bên ngoài bị vỡ và bóng bên trong tiếp tục hoạt động không được che chắn, nó sẽ phát ra bức xạ UV mạnh". Một số đèn hơi thủy ngân có các biện pháp bảo vệ tích hợp và tự tắt khi bóng đèn bên ngoài bị vỡ.

Bức xạ tia cực tím từ đèn hơi thủy ngân cũng có thể gây bỏng mắt, theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Đèn halogen, đèn huỳnh quang và đèn sợi đốt

Các loại bóng đèn halogen, huỳnh quang và đèn sợi đốt phát ra một lượng nhỏ bức xạ UV. Một ví dụ là đèn màu đen. Nếu bạn đã từng đến một bữa tiệc rực rỡ, bạn sẽ biết ánh sáng đen tuyệt vời như thế nào. Những đèn này phát ra tia UVA và không có nhiều ánh sáng nhìn thấy. (Đèn bẫy côn trùng cũng sử dụng "ánh sáng đen" phát ra một số tia UV.) "Tích lũy chúng có thể góp phần gây lão hóa da sớm trong thời gian dài hoặc gây phát ban ở những người bị mẫn cảm với ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng như bệnh nhân lupus. FDA đề nghị tránh xa các nguồn sáng này nếu bạn bị mẫn cảm.

Quang trị liệu (UV)

Quang trị liệu hoặc tiếp xúc có giám sát với tia UV là một trong nhiều phương pháp điều trị bệnh vẩy nến tiềm năng có thể giúp làm sạch các mảng vảy nến. Có hai loại trị liệu chính là Psoralen-UVA (PUVA) và UVB hẹp (NBUVB). PUVA bao gồm sử dụng thuốc psoralen trước để làm cho da nhạy cảm hơn với UVA. PUVA đã từng được sử dụng trong nhiều năm để điều trị bệnh vẩy nến, tuy nhiên, PUVA đã cho thấy tăng nguy cơ rõ rệt đối với ung thư da tế bào vảy và u hắc tố ác tính. Do đó, nó không được sử dụng thường xuyên nữa."

NBUVB chưa bao giờ cho thấy tăng nguy cơ ung thư da hoặc khối u ác tính nên nó vẫn được sử dụng để điều trị. Đây được coi là một trong những lựa chọn điều trị an toàn nhất cho bệnh nhân; tuy nhiên, nó tốn thời gian vì phải điều trị ít nhất một đến hai lần mỗi tuần. Nguy cơ chính là bỏng nắng.

Laser

Laser thường được sử dụng để trẻ hóa da và điều trị một số rối loạn da trong da liễu. Hầu hết các tia laser đều là ánh sáng nhìn thấy, laser excimer không phải là laser, mà là một đơn vị ánh sáng cầm tay, hay còn gọi là tia cực tím. Laser excimer được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến và bệnh chàm, cũng như trả lại màu da ở những người mắc bệnh bạch biến.

Đèn tia UV sử dụng trong các tiệm làm móng

Đây là những mặt hàng chủ lực trong các tiệm làm móng và được sử dụng để làm khô gel móng, rất phổ biến vì chúng có thể tồn tại trong một thời gian dài mà không bị sứt mẻ. Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng loại đèn này ó thể làm tăng nguy cơ ung thư da và lão hóa da sớm do phơi nhiễm UVA tích lũy. Nguy cơ có thể nhỏ, nhưng bôi kem chống nắng phổ rộng, chống nước với SPF 30 trước khi thợ làm móng bôi gel bóng có thể giảm thiểu nguy cơ.

Thiết bị vệ sinh có đèn UV tại nhà

Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với UVA và UVB, nhưng còn có một loại bức xạ UV thứ ba: UVC. Tia UVC có năng lượng mạnh hơn các loại tia UV khác, và WHO gọi UVC là "loại bức xạ UV gây hại nhất". Tin tốt là UVC từ các nguồn tự nhiên được lọc hoàn toàn bởi khí quyển và không chạm tới bề mặt trái đất.

UVC cũng có thể đến từ các nguồn nhân tạo như bóng đèn khử trùng UV tiêu diệt vi khuẩn và các vi trùng khác. Trên thực tế, nhiều người đang sử dụng các thiết bị UVC tại nhà trong nỗ lực tiêu diệt virus corona. Nhưng hãy cẩn thận, Hội Y học Quốc gia Mỹ cảnh báo; Các thiết bị khử trùng UVC chưa được thử nghiệm chống lại virus corona và việc tiếp xúc với ánh sáng UVC rất nguy hiểm cho mọi người. "Các nhà khoa học đang tìm hiểu cách sử dụng một loại đèn UVC đặc hiệu cho các thiết bị có thể an toàn cho con người. Tuy nhiên, các sản phẩm hiện có không an toàn để sử dụng trên cơ thể", tổ chức này nói.

Ánh sáng nhìn thấy xanh lơ hoặc năng lượng cao

Ánh sáng xanh lơ có mặt ở khắp mọi nơi và mức độ tiếp xúc của chúng ta với chúng đang ở mức cao nhất mọi thời đại vì hầu hết chúng ta đang dành nhiều thời gian ở nhà và trên các thiết bị điện tử do đại dịch Covid-19. Đây không phải là một dạng của tia UV. Nhưng ánh sáng xanh lơ có thể gây sạm da hoặc màu da/tông da tối hơn. Điều này đặc biệt quan trọng ở những bệnh nhân bị nám do rối loạn tăng sắc tố ở má, trán và/hoặc môi trên bị tăng lên khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng xanh lơ. Ánh sáng xanh lơ cũng có thể gây lão hóa da sớm tích lũy trong một thời gian kéo dài.

Để chống lại những tổn thương này, nhiều công ty đang bổ sung các chất chặn HEV (năng lượng cao nhìn thấy) trong kem chống nắng, phấn nền và mỹ phẩm. Bảo vệ da bằng kem chống nắng có chứa oxit sắt, hoặc sử dụng phấn nền, thường chứa oxit sắt, hoặc uống chất bổ sung có tên là Polypodium leucotomies (có nguồn gốc từ cây dương xỉ và có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Một ví dụ là Heliocare. Oxit sắt không phải là kem chống nắng được FDA chấp thuận, nhưng nó thường được thêm vào kem chống nắng khoáng chất để ít bị bám trắng hơn.)

Mỏi mắt kỹ thuật số là một nguy cơ khác do nhìn màn hình quá nhiều. Cách tốt nhất để bảo vệ mắt khỏi bị mỏi mắt là tuân thủ quy tắc 20-20-20. Cứ sau 20 phút, hãy nhìn xa 20 feet (khoảng 6m) trong 20 giây để cho cơ mắt được thư giãn.

Cẩm Tú

Theo Healthy