1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh giác thực phẩm nấm mốc trong thời tiết lạnh ẩm miền Bắc

(Dân trí) - TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, với thời tiết đặc trưng của miền Bắc dịp cận Tết, mưa phùn, ẩm rất dễ khiến thực phẩm bị nấm mốc. Hãy mạnh tay loại bỏ thực phẩm mốc, tuyệt đối không ăn vì nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Theo TS Phong, thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo quản thực phẩm. Trong khi đó, đặc trung của miền Bắc là mưa phùn, độ ẩm cao nên các loại hạt có dầu, được sử dụng rất phổ biến trong các dịp Tết như hướng dương, lạc, đậu tương... rất dễ bị nấm mốc.

Cảnh giác thực phẩm nấm mốc trong thời tiết lạnh ẩm miền Bắc - 1

"Khi những hạt này bị nấm mốc sẽ sinh ra độc tố là Aflatoxin. Đây là loại độc tố cực độc với gan và có nguy cơ gây ung thư nếu ăn phải nhiều. Vì thế, nếu thấy các loại hạt bị mốc, hãy vứt bỏ không nên ăn", TS Phong khuyến cáo.

Ông Phong cũng lưu ý nhiều người Việt có thói quen, rửa bỏ nấm mốc rồi lại sử dụng như bình thường. Thực tế, rửa chỉ làm trôi đi nấm mốc bên ngoài, còn thực tế, thực phẩm đã bị ẩm, sản sinh nấm và sinh ra chất độc, vì thế ăn vào rất độc cho sức khỏe.

Thói quen này cũng được nhiều người áp dụng với bánh chưng. Khi vỏ bánh, đầu bánh bị mốc do làm với số lượng lớn, để lâu, nhiều người cắt bỏ phần mốc, rán lên ăn như thường. Tốt nhất với những thực phẩm đã lên nấm mốc, không nên ăn.

Loại độc chất Aflatoxin có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm. Vì thế, người dân không nên tiếc mà cần mạnh dạn vứt bỏ những thực phẩm đã bị nấm mốc, tuyệt đối không ăn.

Trong khi đó, tại miền Nam thời tiết nóng bức, các thực phẩm nhiều đạm lại dễ ôi thiu vì nắng nóng. Ăn phải những thực phẩm này có thể bị ngộ độc, tiêu chảy vì nhiễm khuẩn.

"Mỗi miền, tùy điều kiện thời tiết, tập quán sinh hoạt lại có những nguy cơ khác nhau về vấn đề an toàn thực phẩm. Vì thế, tùy thuộc vào thời tiết vùng miền để có sự ứng xử, bảo quản thực phẩm phù hợp. Cái chung nhất, đó là các bà đừng coi tủ lạnh là "thần tiên" bảo quản vô thời hạn các loại thực phẩm. Hãy mua vừa phải, không tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tử lạnh", ông Phong nói.

Cũng trong dịp Tết, các thực phẩm như rượu bia, nước giải khát, thịt, bánh kẹo tăng hơn 10 lần so với ngày thường. Vì thế, dịp này sẽ tập trung thanh thanh kiểm tra những nhóm sản phẩm này.

Theo đó tại Trung ương sẽ thành lập 6 đoàn, kiểm tra tại 12 thành phố trọng điểm. Các đoàn này không phải làm thay địa phương mà kiểm tra xem địa phương có thực hiện, triển khai kế hoạch không. Tỉnh nào không triển khai đánh dấu lại sẽ có phương pháp xử lý. Không thể để tình trạng trên rất quyết liệt nhưng dưới cứ ì ra.

"Tôi cũng chỉ đạo, phải công khai nhanh chóng các mẫu xét nghiệm sản phẩm không đạt để hướng dẫn người dân tiêu dùng, không để tình trạng qua Tết, qua lễ mới công bố sản phẩm không đạt", ông Phong nói.

Được biết, tất cả tỉnh, huyện, xã phường đều phải thành lập đoàn thanh tra liên ngành để giám sát thực phẩm dịp Tết, giám sát tổn dư thuốc bảo vệ thực vật, quá trình giết mổ bảo quản tươi sống phải bảo đảm để không ô nhiễm thêm vi sinh...

Hồng Hải