1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh giác mờ “cửa sổ” vì đái tháo đường

(Dân trí) - Trong các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường, biến chứng mắt cũng thường xảy ra. Sau khoảng 5-7 năm mắc bệnh, dù được điều trị bài bản, một nửa số bệnh nhân có thể có một trong ba biến chứng mắt đái tháo đường là đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và bệnh lý võng mạc.

Bệnh lý võng mạc cũng là nguyên nhân chính gây mù lòa ở người đái tháo đường. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường cũng nên kiểm tra mắt định kỳ, đặc biệt ở những người mắc bệnh lâu năm.

Biến chứng mạn tính của đái tháo đường

Các nhà nội tiết thường ví von “Thông qua các hoóc-môn, nội tiết là sợi chỉ đỏ liên hệ mọi cơ cơ quan, hệ thống trong cơ thể lại với nhau”.

Đái tháo đường là bệnh nội tiết quan trọng, liên quan đến chuyển hóa nhóm chất carbohydrate, tiêu biểu là glucose, cung cấp năng lượng cho tất cả tế bào trong cơ thể. Do đó, đái tháo đường có rất nhiều biến chứng mãn tính trên nhiều hệ thống như

(1) Tim mạch: tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, xơ tắt động mạch ngoại vi..

(2) Nhiễm trùng: glucose máu cao, tổn thương tại chổ và suy giảm miễn dịch là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây nên nhiễm trùng. Người đái tháo đường rất dễ bị lao phổi, bàn chân đái tháo đường, viêm đường tiểu…;

(3) Thận: đái tháo đường làm tổn thương vi mạch máu thận, tổn thương màng đáy gây tiểu albumin, giảm chức năng lọc của thận, suy thận;

(4) Thần kinh: thường xuất hiện sớm nhất bao gồm các cảm giác đau, tê, nóng ở chân, hay tiết mồ hôi..;

(5) Mắt: đái tháo đường có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, đặc biệt tạo các tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt gây ra bệnh lý đáy mắt là nguyên nhân chính gây mù lòa.

Biến chứng võng mạc đái tháo đường

* Chụp mạch máu võng mạc

Là một thủ thuật quan trọng giúp thầy thuốc chuyên khoa thấy rõ hình ảnh vị trí mạch máu võng mạc cũng như đánh giá được mức độ tổn thương, thay đổi bệnh lý. Sau này, kỹ thuật chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang (CMMVMHQ) với chất màu huỳnh quang bơm vào mạch máu, hình ảnh võng mạc chụp được có màu sắc và rõ ràng hơn rất nhiều.

Trước tình hình bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng như hiện nay; nhiều bệnh viện đa khoa cũng như chuyên khoa đều có trang bị máy và triển khai kỹ thuật CMMVMHQ này.

* Các bệnh lý võng mạc mắt đái tháo đường

Về bệnh lý võng mạc của đái tháo đường, người ta ghi nhận ở các bệnh nhân dù được điều trị thường xuyên, với nồng độ đường trong máu được kiểm soát ổn định; thì cũng vẫn có đến 60% số bệnh nhân bị biến chứng võng mạc mắt sau 10 năm bị bệnh.

Trên hình ảnh CMMVMHQ, có ba dạng bệnh lý võng mạc mắt: không tăng sinh, tiền tăng sinh và có tăng sinh.

Tổn thương mạch máu võng mạc đái tháo đường
Tổn thương mạch máu võng mạc đái tháo đường

(1) Mạch máu võng mạc bị thiếu oxy do nhiều nguyên nhân khác nhau nên có xu hướng bị nghẽn tắc, hậu quả cuối cùng là nguồn cung cấp oxy tại chỗ sẽ cạn kiệt,

(2) Suy yếu của thành mạch máu sẽ tạo ra nhiều vị trí dãn phình mạch máu (aneuvrism) và

(3) Những mạch máu nhỏ ở võng mạc bị vỡ gây tổn thương võng mạc, tăng nhãn áp và có thể gây mù lòa.

Nếu không được kiểm tra và chữa trị kịp thời thì các tổn thương mắt này rất khó hồi phục. Do đó, cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) đều khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường cần được kiểm tra mắt định kỳ, để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng võng mạc.

Đôi điều bàn luận

Vì đái tháo đường đang gia tăng như bệnh dịch, Tổ chức Y tế Thế giới WHO nhận định Thế kỷ 21 này là “Thế kỷ bệnh Nội tiết & Chuyển hóa với trung tâm là Đái tháo đường”. Ở Việt Nam, thống kê gần đây nhất tỷ lệ ĐTĐ là 5.6% và Tiền ĐTĐ là 18%. Đái tháo đường là bệnh mạn tính, bệnh nhân phải học cách “sống chung” với nó. Ngoài theo đúng chế độ điều trị “kiềng 3 chân”: ăn uống, vận động, thuốc men, người ĐTĐ cũng cần theo dõi để phát hiện và xử lý sốm biến chứng hạn chế các dự hậu xấu.

Biến chứng mắt, đặc biệt các bệnh lý võng mạc, là nguyên nhân chính gây mù lòa cho những người đái tháo đường lâu năm. Điều nguy hiểm là các biến chứng võng mạc mắt thường ít có dấu hiệu để bệnh nhân cảm nhận, và khi có rối loạn thị giác thì đã muộn.

Hiện nay, với kỹ thuật CMMVMHQ, thầy thuốc chuyên khoa dễ dàng đánh giá đúng mức độ bệnh. Tùy theo tổn thương và giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng những biện pháp khác nhau như Dùng tia laser; Phẫu thuật và Điều trị thuốc.

Mắt,“cửa sổ tâm hồn”, cũng dễ tổn thương khi bị đái tháo đường. Những biến chứng này có thể ngăn chặn, giảm thiểu hay điều trị ổn định nếu phát hiện sớm. Người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ lời khuyên của Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2: "Nếu bệnh lý giác mạc được theo dõi, điều trị ở giai đoạn sớm sẽ có nhiều cơ hội tránh được mù lòa. Vì thế, cần kiểm tra mắt định kỳ, đừng chờ đến khi mắt mờ mới đi khám"

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI

Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM