Cảnh báo học trò béo phì

(Dân trí) - Trong khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng có xu hướng giảm tỷ lệ học trò thừa cân, béo phì đang ngày càng tăng. Đặc biệt là ở TPHCM, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì vượt xa mức bình quân cả nước.

Điều này được các chuyên gia cảnh báo tại hội thảo “Xây dựng thực đơn chuẩn bữa ăn bán trú cho HS tiểu học” và ra mắt dự án “Dinh dưỡng học đường” do Sở GD - ĐT TPHCM tổ chức vào ngày 11/10.

Điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM qua dự án phòng chống béo phì, tỉ lệ học trò tiểu học ở thành phố bị thừa cân cao gấp 15 lần so với suy dinh dưỡng (20,8%) và có đến 7,7% HS bị béo phì.

Một cuộc khảo sát mới đây đối với 2.500 HS của 2 trường tiểu học ở quận 10 - TPHCM làm nhiều phụ huynh bàng hoàng khi tỷ lệ trẻ bị dư cân, béo phì chiếm quá cao.

Bữa ăn bán trú chưa cân bằng về dinh dưỡng, đặc biệt quá ít rau xanh. 
Bữa ăn bán trú chưa cân bằng về dinh dưỡng, đặc biệt quá ít rau xanh. 

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho hay hiện nay học trò được cung cấp quá nhiều dinh dưỡng nhiều đường, bột, chất béo và không có thói quen ăn rau quả.

Theo nghiên cứu thói quen ăn uống ở học sinh tiểu học, các em thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, nhiều đường, còn lượng rau trung bình chỉ đạt 30% và lượng trái cây chỉ đạt 50% so với khuyến nghị.

Bà Diệp nhấn mạnh, nạp nhiều năng lượng nhưng học trò quá ít vận động. Hoạt động tĩnh tại của học sinh ở TPHCM đang có xu hướng tăng lên, trong khi các hoạt động dành cho vận động lại giảm mạnh. Thời gian các em ngồi học ở lớp, ngồi trước ti vi, máy tính… quá nhiều nên năng lượng nạp vào không được tiêu hao mà tích tụ thành mỡ.

Chuyên gia này cho biết chúng ta chỉ mới chú trọng đào tạo nhân sự về sức khỏe - vận động cho ngành y tế còn đối với giáo dục và xã hội còn rất hạn chế. Lương bổng cho nhân lực này tại trường học quá thấp, làm việc ít có điều kiện nâng cao chuyên môn nên không thu hút được người giỏi. 

Một vấn đề đặt ra là thực đơn bữa ăn bán trú ở trường tiểu học còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là mô hình bán trú không chuyên dụng, nhà trường gặp khó khăn trong việc lên một thực đơn đa dạng, phong phú, ngon miệng và đơn biệt là thực đơn đảm bảo cân bằng về tỷ lệ các chất.

Đặc biệt thực trạng phần lớn bữa ăn học đường hiện đang thiếu nghiêm trọng chất xơ và các vitamin do khẩu phần ăn không có nhiều rau và trái cây.

Để xây dựng thực đơn chuẩn cho bữa ăn học đường, ngành giáo dục TPHCM kết hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM và Công ty Ajnomoto Việt Nam thực hiện dự án “Dinh dưỡng học đường” dành cho các trường tiểu học trên địa bàn.

Bữa ăn bán trú chưa cân bằng về dinh dưỡng, đặc biệt quá ít rau xanh. 
Giờ giải lao, nhiều học trò ở các trường nội thành TPHCM chỉ biết... ngồi một chỗ vì thiếu không gian chạy nhảy. 

BS Nguyễn Tài Dũng, phụ trách Y tế học đường Sở GD - ĐT TPHCM cho biết, dự án này có 3 nội dung chính gồm xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý thông qua việc cải tiến thực đơn chuẩn cân bằng dinh dưỡng giúp HS phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; giáo dục ý thức cho HS về dinh dưỡng, tự phục vụ và chuẩn hóa mô hình bếp văn và khu vực ăn theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Trên cơ sở tổ chức thử nghiệm thực đơn ở một số trường và lấy ý kiến từ các trường học sẽ là cơ sở cho việc hoàn thiện thực đơn chuẩn cân bằng về dinh dưỡng và đảm bảo yếu tố ngon miệng trong mỗi bữa ăn. Thực đơn chuẩn sẽ góp phần giải phóng gánh nặng cho các trường bán trú mà còn tạo ra bữa ăn học đường có chất lượng đồng bộ. Qua đó cải thiện chế độ dinh dưỡng phòng chống suy duy dinh dưỡng cho và thừa cân béo phì cho học trò.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm