Căng thẳng kéo dài ung thư hình thành và tiến triển?
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy căng thẳng tâm lý có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và lây lan của khối u.
Theo BSCKI Trần Thu Hạnh, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), stress là điều không thể tránh khỏi đối với con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có một mối liên hệ thực sự giữa căng thẳng và nguy cơ ung thư.
Những người bị ung thư có mức hormone căng thẳng tăng cao trong cơ thể của họ, làm tăng di căn và hoạt động của bệnh ung thư. Nghiên cứu cho thấy các hormon căng thẳng như cortisol có thể ảnh hưởng đến các enzyme gây viêm, hoạt hóa quá trình viêm- tiền thân của một số bệnh ung thư và các bệnh khác.
Căng thẳng còn khiến các gốc tự do trong cơ thể tạo ra nhiều hơn. Các gốc tự do này sẽ tấn công lên cấu trúc tế bào, gây tổn thương, đột biến tế bào- nguyên nhân hình thành tế bào ung thư.
Bằng chứng từ các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy căng thẳng tâm lý có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và lây lan của khối u.
Ví dụ, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi những con chuột mang khối u người bị giam giữ hoặc cách ly với những con chuột khác - điều kiện làm tăng căng thẳng - thì khối u của chúng có nhiều khả năng phát triển và lan rộng (di căn). Trong một loạt thí nghiệm, các khối u được cấy ghép vào các miếng mỡ tuyến vú của chuột có tỷ lệ lây lan đến phổi và các hạch bạch huyết cao hơn nhiều nếu chuột bị căng thẳng mãn tính so với khi chuột không bị căng thẳng.
Các nghiên cứu trên chuột và tế bào ung thư ở người được nuôi trong phòng thí nghiệm đã phát hiện ra rằng hormone căng thẳng norepinephrine có thể thúc đẩy hình thành mạch và di căn.
Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn rằng căng thẳng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả ung thư, nhưng một số dữ liệu cho thấy rằng bệnh nhân có thể phát triển cảm giác bất lực hoặc tuyệt vọng khi căng thẳng trở nên quá tải. Đáp ứng này có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn, mặc dù cơ chế của kết quả này là không rõ ràng. Có thể là những người cảm thấy bất lực hoặc tuyệt vọng không tìm cách điều trị khi bị bệnh, từ bỏ sớm hoặc không tuân thủ liệu pháp hữu ích tiềm năng, tham gia vào các hành vi nguy cơ như sử dụng ma túy hoặc không duy trì lối sống lành mạnh, dẫn đến chết yểu.
Cách hiệu quả để giảm bớt căng thẳng
Thiền tập, yoga, chạy bộ,… là một trong những cách hiệu quả để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống và cũng là cách tuyệt vời để giúp giảm nguy cơ ung thư. Hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để thư giãn cơ thể, bạn sẽ thấy hiệu quả tuyệt vời mà nó mang lại.
"Sẽ không có gì đáng nói nếu như chúng ta chỉ tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong một thời gian ngắn, hay các thói quen trên chỉ xảy ra trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, nếu mỗi ngày chúng ta làm việc 8 tiếng tại văn phòng, và lặp lại mỗi tuần 5-6 ngày trong suốt nhiều năm thì chắc chắn nó sẽ tạo ra ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe", BS Hạnh cho biết.
Do vậy, việc điều chỉnh các thói quen và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ là việc bạn cần thực hiện ngay từ bây giờ.