1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần xây dựng 5 Trung tâm phân phối thuốc lớn

(Dân trí) - Theo Cục Quản lý Dược, đây là giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán thuốc lòng vòng, hạn chế tăng giá thuốc do tầng nấc trung gian đẩy giá thuốc lên cao.

Việc phân phối mua bán lòng vòng hiện nay là bất cập của ngành dược, thủ tướng chính phủ đã ký chiến lược phát triển ngành dược đến năm 2020 trong đó quy hoạch lại xây dựng 5 trung tâm phân phối lớn, chuyên nghiệp để khắc phục tình trạng mua bán lòng vòng, tốn kém nhân lực, tốn kém trang thiết bị và dẫn đến là khó khăn trong kiểm soát chất lượng, khó khăn trong vấn đề giám sát, thu hồi thuốc kém chất lượng. Theo đánh giá của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, khi quy hoạch được trung tâm phân phối thì sẽ quản lý giá thuốc sẽ hiệu quả hơn.

Theo thống kê của ngành dược, cả nước hiện có 177 doanh nghiệp đạt GSP (Thực hành tốt bảo quản thuốc và được phép nhập khẩu), trên 1900 doanh nghiệp đạt GDP- Thực hành tốt phân phối thuốc và được phép bán buôn, trên 39.000 cơ sở bán lẻ thuốc trong đó có 10.000 nhà thuốc đạt GPP.

Cục Quản lý Dược đánh giá đây đây là hệ thống phức tạp, có quá nhiều nhóm đối tượng tham gia và gây ra nhiều bất cập cho thị trường. “Nổi cộm trong số này là vấn đề quản lý giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc nói chung, thu hồi thuốc kém chất lượng và kiểm soát nguồn gốc thuốc trên thị trường nói riêng”- Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường cho biết.

Cũng theo ông Cường, 5 Trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ- tây Nguyên, Đông nam Bộ và Tây Nam Bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển hệ thống phân phối thuốc VN đã được đề ra trong chiến lược phát triển ngành dược.

Hệ thống này được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp cao nhằm khắc phục các bất cập, khiếm khuyết của hệ thống cung ứng thuốc hiện tại như quá nhiều nhà phân phối, bán buôn, bán lẻ, đường đi của thuốc lòng vòng, chi phí cho khâu phân phối cao, chất lượng thuốc khó kiểm soát, thiếu thuốc cục bộ khi có dịch bệnh, khó dự trữ thuốc hiếm, khó đoán nhu cầu thị trường để đặt hàng sản xuất, nhập khẩu…

“Các doanh nghiệp đầu tư Trung tâm phân phối thuốc hiện đại sẽ được ưu đãi đầu tư. Ngành Dược cũng đang đề xuất cơ chế hỗ trợ cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc sống ở vùng sâu vùng xa”, ông Trương Quốc Cường nói.

Thống kê mới nhất của Cục Quản lý Dược cho biết bình quân tiền thuốc sử dụng/người dân đã đạt 31,18 USD/người tại VN, gấp rưỡi so với cách đây 5 năm. Đó là chưa tính một phần rất lớn tiền mua thuốc do người dân tự mua về dùng chưa thống kê được. Tăng trưởng phát triển ngành dược và nhu cầu được sử dụng thuốc tốt với giá hợp lý của người dân đặt ra yêu cầu: ngành dược phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống phân phối thuốc, theo hướng cắt giảm tầng nấc trung gian, quản lý giá và chất lượng thuốc.

Nhân Hà