Cần Thơ: Nhiều trẻ em liên tục bị rắn tấn công

(Dân trí) - Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ cho biết, từ đầu năm đến nay BV đã điều trị cho 7 bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, trong đó, có 2 ca ở Hậu Giang, 3 ca ở Cần Thơ, 1 ca ở Vĩnh Long và 1 ca ở An Giang.

Bác sĩ Dễ  cũng cho biết: "chưa hiểu vì sao từ đầu năm tới nay lại có nhiều em bé bị rắn cắn, nhưng rõ ràng đây là một bất thường, vì con số trẻ em đến điều trị rắn cắn của năm 2014 thấp hơn nhiều. Vì thế các gia đình có con nhỏ, nhà ở, xung quanh có cây cỏ, bụi rậm thì cần hết sức chú ý để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra"- Bác sĩ Dễ nói.
Cháu Nguyễn Minh Tiến bị rắn cắn đang điều trị tại BV Nhi đồng Cần Thơ
Cháu Nguyễn Minh Tiến bị rắn cắn đang điều trị tại BV Nhi đồng Cần Thơ

Cũng theo bác sĩ Dễ, bệnh nhi mới nhất là cháu Nguyễn Minh Tiến (8 tuổi), ngụ ở khu vực Thạnh Thuận, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ, bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tối 3/2 khi đang ở trước sân nhà.

Trao đổi với PV, mẹ cháu Tiến cho biết thêm, con rắn lục đuôi đỏ to hơn ngón tay cái cắn vào chân cháu Tiến, khi chị chưa kịp trở tay. Ngay sau đó, gia đình đã đưa cháu Tiến đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng sưng phù chân, đau nhức, nhưng rất may chưa bị  rối loạn đông máu. Hiện sức khỏe cháu Tiến dần hồi phục.

Bác sĩ Hoàng Xuân Thục, Nguyên trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện quân y 121 (người có kinh nghiệm nhiều năm điều trị rắn cắn) cho biết: Bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn nếu không đưa đến bệnh viện sớm sẽ bị rối loạn đông máu nặng dẫn đến xuất huyết não, có thể gây tử vong. Vì thế khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải băng garo (lấy dây thắt chặt vùng bị rắn cắn để hạn chế nọc độc lưu thông theo máu) đồng thời đưa đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Tuyệt đối không đến các thầy lang vườn để điều trị vì nó không hiệu quả, ảnh hưởng đến tính mạng.

 

Phạm Tâm