Cận thị cũng... giả?
Phòng khám các bệnh về mắt thường tiếp nhận các phản ánh: một vài bạn trẻ thấy mắt nhìn kém hẳn sau một đợt học hành thi cử căng thẳng; có nhân viên văn phòng nhức mỏi mắt khi làm việc nhiều, đeo thử kính cận của người khác thì thấy sáng hơn...
Hầu hết những người này đều nghĩ họ đã bị cận thị, cần đeo kính. Thực sự nhiều người đã phải đeo kính oan!
Khi mắt bị mỏi hoặc cứ sau khi làm việc bằng mắt một giờ, nên cho mắt nghỉ ngơi 5 – 10 phút. Ảnh: jimborange
Chỉ là rối loạn thoáng qua
Song hành với khái niệm cận thị là khái niệm giả cận thị. Giả cận thị hay gặp ở lứa tuổi học đường, với tỷ lệ khoảng 20%. Giống như các thuật ngữ y khoa khác như giả u, giả mang thai, giả nghén... “giả cận thị” hàm ý không phải bệnh lý cố hữu mà là những rối loạn thoáng qua rất giống một bệnh hay một hội chứng nào đó. Trên những người tham gia thực nghiệm tình nguyện, khi bắt họ nhìn gần liên tục trong 7 tiếng sẽ có khoảng 60% bị cận thị ít nhất -0,5D.
Phân biệt cận thị thực sự hay giả cận thị, không quá khó đối với bác sĩ chuyên khoa mắt. Triệu chứng chủ yếu của giả cận thị là khó khăn khi ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần, hay còn gọi là hiện tượng mệt mỏi thị giác. Thị lực có thể cải thiện nhất thời nếu đeo kính cận (kính trừ). Chẩn đoán phân biệt rất đơn giản: chỉ bằng nhỏ thuốc liệt điều tiết như atropin hay cyclopegic, làm liệt cơ thể mi, giảm năng lực điều tiết, mắt sẽ trở lại bình thường.
Việc điều trị giả cận thị cũng tương đối đơn giản. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu nhìn không rõ, mệt mỏi, nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa sớm để xác định chính xác bị cận thị giả hay thật.
Không phải ai bị cận thị cũng cần đeo kính. Người cận dưới 0,75 điốp thì không cần phải đeo, dưới 2,5 điốp có thể bỏ kính khi đọc gần. Ở lứa tuổi học sinh, cận dưới 0,75 điốp bác sĩ chuyên khoa mắt thường không chỉ định đeo kính mà hướng dẫn cách tập luyện, nghỉ ngơi cho mắt để mắt tự điều tiết trở về bình thường.
Coi chừng giả thành thật
Giả cận thị nếu không điều trị kịp thời hoặc không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khiến mắt phải liên tục làm việc trong thời gian dài thì có thể dẫn đến suy nhược, trở thành cận thị thật. Trong thể giả cận thị thực thể do những nguyên nhân dùng atropine quá lâu, chấn thương mắt, chấn thương sọ não, viêm thể mi… ta cần dừng thuốc liệt thể mi và điều trị căn nguyên. Với thể chức năng thì cách khắc phục đơn giản là làm việc điều độ, trong điều kiện tối ưu cho mắt, giữ khoảng cách nhìn cho đúng, tập mắt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa. Khi mắt bị mỏi hoặc cứ sau làm việc bằng mắt một giờ, nên cho mắt nghỉ ngơi 5 – 10 phút. Có thể nhắm mắt, nhìn ra xa hoặc massage xung quanh mắt. Có thể dùng một số thuốc thuộc dòng vitamin để giúp đôi mắt đỡ mệt mỏi khi làm việc với cường độ cao, chống thoái hoá và lão hoá cơ quan thị giác. Có rất nhiều sản phẩm có tác dụng như vậy, ta có thể chia ra làm những nhóm sau đây: nhóm vitamin có bổ sung chorondine sufate; nhóm vitamine A, vitamine C, vitamin E có bổ sung sắc tố azeaxanthine, zeaxanthine...; vitamin có bổ sung khoáng vi lượng: đồng, kẽm, selene…; vitamin và cao bạch quả…
Để dùng đúng cách, lưu ý: người trên 50 tuổi có thể dùng thực phẩm chức năng bổ mắt lâu dài, liên tục. Người trẻ thì dùng đến khi thấy đạt hiệu quả thì thôi (trong đợt thi cử, khi làm việc quá nhiều bằng mắt, khi đang bị bệnh mắt...) Chỉ dùng một, hai loại thuốc bổ là cùng vì rất nhiều thuốc có thành phần gần giống nhau. Đừng quên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Các thuốc nhỏ mắt có thành phần làm êm dịu mắt, chống khô mắt, chống ngứa và sát trùng nhẹ dùng hỗ trợ cho mắt mệt mỏi cũng có rất nhiều, chỉ nên chọn một loại.
Mắt cũng như bất kỳ cơ quan nào có quyền mệt mỏi, lãn công khi bị làm việc quá nhiều. Ai trong chúng ta cũng có thể bị mệt mỏi thị giác, giả cận thị. Vì thế hãy làm việc bằng mắt điều độ và hợp vệ sinh.
Theo ThS.BS Hoàng Cương
Phó khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt Trung ương
Sài Gòn tiếp thị