Cân nặng chững, cần đưa trẻ đi khám ngay
(Dân Trí) - “Tâm lý sợ con không tăng cân, sút cân khiến nhiều bà mẹ ép con ăn theo ý mình dẫn đến trẻ chán, sợ ăn. Thậm chí thành phản xạ cứ ăn là bé khóc, hoặc ngậm, làm bữa ăn kéo dài nhiều giờ”, BS Lưu Thị Mỹ Thục, viện Nhi TƯ chia sẻ.
Đưa cậu con trai 14 tháng tuổi đi khám dinh dưỡng ở viện Nhi TƯ, chị Hằng (Gia Lâm, Hà Nội) mếu máo kể: “Cứ đến bữa ăn của cháu là toàn bộ nhân lực trong nhà được huy động để phục vụ. Một người vừa bế vừa cho ăn, một người chuyên làm trò… cả nhà cứ náo loạn hết cả lên. Lúc đầu cháu còn chịu ăn, sau thì cứ ngậm không chịu nuốt. Em lại chuyển sang cho đi ăn rong, cứ từ đầu phố đến cuối phố, hôm nào may thì hết bát bột, còn không chỉ được 2/3 bát nhỏ. Chưa bữa ăn nào của cháu dưới một tiếng rưỡi đồng hồ, làm cả nhà vã mồ hôi”.
Thay vì "nhồi, ép" khi trẻ biếng ăn, các bà mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh
Không chiều con giống chị Hằng, chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) thiết quân luật với cậu con trai 2 tuổi và hậu quả chị phải đưa con vào viện Nhi TƯ cấp cứu: “Một số người bạn của mình truyền kinh nghiệm, không ép con ăn, cứ để bé đói thì tự khắc có nhu cầu. Lúc đầu mình cũng dỗ dành nhưng thằng nhỏ nhà mình bướng lắm. Hết cách, mình cho con nhịn liền 2 bữa, hy vọng con sẽ ăn ngoan khi đói. Ai ngờ, cháu nhất định không ăn nên tụt huyết áp, người vã mồ hôi như tắm, cháu lả đi… cả nhà tá hỏa đưa vào viện cấp cứu”.
Trao đổi với Dân trí, ThS.BS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh Dưỡng, viện Nhi TƯ cho biết: “Trên 50% trẻ từ 1- 6 tuổi trên thế giới mắc chứng biếng ăn. Tại Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 20-40%. Trong tổng số trẻ được đưa đến khám và tư vấn dinh dưỡng ở viện Nhi TƯ thì có đến 60% trẻ khám do biếng ăn. Đặc biệt, ở lứa tuổi 1 đến 2, cứ hai trẻ thì có một ở tình trạng này”.
Biếng ăn kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ làm cơ thể không đủ năng lượng và dinh dưỡng để phát triển khiến trẻ suy yếu. Đồng thời khiến trẻ chậm phát triển, rối loạn tăng trưởng, dễ mắc các bệnh mãn tính…
Theo BS Thục, các nguyên nhân có thể kể đến như: “Trẻ đang bị bệnh (ho, sốt, tiêu chảy, táo bón…). Hoặc do trẻ phải dùng kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trong thời gian dài, gây mất cân bằng hệ thống vi khuẩn đường ruột. Bên cạnh đó việc dùng vitamin A, D quá liều cũng gây tình trạng này.
Nguyên nhân then chốt cần kể đến ở đây là chế độ ăn không hợp lý (khẩu phần ăn chưa phong phú, các bà mẹ chỉ thích cho con ăn theo ý mình, hoặc thức ăn không hợp khẩu vị của trẻ, trẻ ăn không đúng bữa, hay ăn vặt…). Ngoài ra yếu tố tâm lý giữ vai trò quan trọng dẫn đến tình trạng này (trẻ bị ép ăn bằng mọi cách gây tâm lý sợ hãi khi đến bữa ăn, sự thay đổi môi trường như đổi giờ ăn, nơi ăn... cũng khiến trẻ từ chối thực phẩm)”.
Khi đã loại trừ hết các nguyên nhân trên, trẻ có thể chán ăn do thiếu các men tiêu hóa nên thức ăn không được tiêu hóa hết. Nếu đã cho con ăn đúng cách, trẻ cũng không có vấn đề gì về tâm lý thì nguyên nhân có thể do một căn bệnh tiềm ẩn khác. Cần đưa bé đi khám để biết và khắc phục kịp thời.
“Thay vì tìm nguyên nhân gốc dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ thì đa phần các bà mẹ lại nhồi, ép con ăn khiến trẻ sợ hãi. Như trường hợp của chị Hằng và chị Lan kể trên đều không đúng cách, tuyệt đối không được để trẻ bị đói đến mức tụt huyết áp. Nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, vừa bổ sung chất vừa thay đổi khẩu vị cho trẻ. Khi trẻ mệt nhọc, có thể cho con ăn giảm đi một chút so với bình thường, sau đó trẻ sẽ ăn bù bữa, không nên ép con ăn theo ý mình.
Hiện nay trên thị trường không có loại thuốc nào chữa bệnh biếng ăn của trẻ, vì vậy các bà mẹ không nên tự ý mua thuốc kích thích ăn về cho con dùng. Dù chỉ là các vitamin nhưng nếu lạm dụng sẽ gây hậu quả xấu cho trẻ. Cần đến khám và tư vấn bác sĩ dinh dưỡng ngay khi biểu đồ tăng trưởng của trẻ chững lại (không tăng cân)”, BS Thục khuyến cáo.
Thu Hà