Cận cảnh “sát thủ” của hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư

(Dân trí) - Trong trường hợp tế bào bị nhiễm virus hoặc chuyển thành dạng ác tính (tế bào ung thư), các tế bào lympho T độc sẽ nhận nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt các tế bào bất thường này.

Các tế bào của hệ miễn dịch chính là đội quân giúp bảo vệ cơ thể của chúng ta khỏi tác nhân gây hại. Lực lượng phòng vệ này được tổ chức một cách rất bài bản, với nhiều loại tế bào đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau, ví dụ:

- Đại thực bào: Tấn công các mầm bệnh, phân tử ngoại lai và thậm chí là tế bào đã chết của cơ thể, bằng cách hấp thụ và phá vỡ kết cấu của chúng.

- Tế bào lympho: Tế bào lympho B có nhiệm vụ tạo ra kháng thể để tiêu diệt đặc hiệu các kháng nguyên và hình thành đáp ứng miễn dịch lâu dài, để sẵn sàng tiêu diệt mầm bệnh trong lần tấn công tới. Trong khi đó, tế bào lympho T lại chuyên phá hủy các tế bào đã bị tổn thương hoặc có dấu hiệu bất thường trong cơ thể, đồng thời cảnh báo các tế bào bạch cầu khác.

Cận cảnh “sát thủ” của hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư - 1

Trong trường hợp tế bào bị nhiễm virus hoặc chuyển thành dạng ác tính (tế bào ung thư), các tế bào lympho T độc sẽ nhận nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt các tế bào bất thường này. Đúng như tên gọi của chúng, tế bào lympho T độc sẽ phá hủy mục tiêu bằng cách tiết ra chất độc tế bào. Theo đánh giá của các chuyên gia, tế bào T độc là một “sát thủ” hiệu quả và chính xác, bởi nó chỉ tiêu diệt đúng những tế bào bất thường, trong khi đảm bảo sự lành lặn của tế bào khỏe mạnh ở xung quanh.

Đoạn video được thực hiện bởi Đại học Cambridge dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn cách mà tế bào lympho T độc nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư:

Cận cảnh “sát thủ” của hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư

Minh Nhật

Theo Cambridge University

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm