Cận cảnh quy trình xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
(Dân trí) - Các kỹ thuật viên trong phòng xét nghiệm tại BV Bệnh Nhiệt Đới TPHCM làm việc ngày đêm để kịp thời cho kết quả phục vụ phòng chống dịch Covid-19, với khoảng 1000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 mỗi ngày.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM đang tiếp nhận, thực hiện khoảng hơn 1.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Cả hệ thống đang vận hành suốt ngày đêm để kịp thời cho kết quả phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Để tăng cường năng lực xét nghiệm tầm soát trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã thẩm định và cấp phép đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn TPHCM.
Đến nay, tại TPHCM ngoài Viện Pasteur là nơi đủ điều kiện xét nghiệm từ thời điểm dịch xuất hiện, đến nay, Bộ Y tế đã công nhận thêm các phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện FV, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, Bệnh viện Đại học Y Dược, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật.
Ngày 21/4, phóng viên Dân trí đã tiếp cận thực tế với phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới để ghi nhận những thông tin, hình ảnh cán bộ công nhân viên đang khẩn trương thực hiện, phục vụ công tác quan trọng trong quy trình phòng chống dịch.
BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “Chúng tôi đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 hơn 1 tháng qua. Từ khi hoạt động đến nay, khoa liên tục vận hành toàn bộ hệ thống để phục vụ hoạt động chống dịch và tiến hành xét nghiệm thường quy đối với các bệnh lý khác. Riêng hoạt động xét nghiệm sàng lọc Covid-19, trung bình mỗi ngày, tại Nhiệt Đới thực hiện hơn 1.000 mẫu”.
Hệ thống xét nghiệm tại Bệnh viện hiện đang tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các chốt kiểm dịch, bệnh viện điều trị Covid-19 hoặc các trung tâm cách ly, cơ sở y tế dự phòng. Trung bình đối với mỗi mẻ xét nghiệm, từ khi nhận mẫu đến khi cho kết quả mất thời gian khoảng 5 giờ để thực hiện tất cả các quy trình (nhận mẫu, xử lý ban đầu, dán mã code, tách chiết, PCR, trả kết quả).
Cùng với các đơn vị xét nghiệm khác, khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đang vận hành với công suất tối đa để nhanh chóng trả kết quả về các đơn vị gửi mẫu, thực hiện phương án phù hợp trong việc cách ly, điều trị hoặc công bố khỏi bệnh cho từng trường hợp cụ thể.
Nhân viên tại khoa xét nghiệm hiện đang phải chia thành nhiều ca trực để vận hành suốt ngày đêm đối với hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngoài công việc thường ngày, tất cả nhân viên tại khu vực xét nghiệm đều phải mang đồ bảo hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm từ chính các mẫu xét nghiệm được gửi tới.
Anh Ngô Tấn Tài, kỹ thuật viên xét nghiệm tại LAB sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “SARS-CoV-2 là virus lây truyền qua đường hô hấp nên sự nguy hiểm đối với những người thực hiện xét nghiệm luôn ở mức cao. Ban Giám đốc bệnh viện đã liên tục yêu cầu khoa xét nghiệm thực hiện các giải pháp an toàn cho nhân viên y tế. Bản thân những người trực tiếp làm nhiệm vụ như chúng tôi cũng phải nâng cao ý thức bảo vệ chính mình, đồng thời đảm bảo an toàn cho chính các mẫu bệnh phẩm để chúng không lây nhiễm chéo với nhau từ đó cho kết quả chính xác nhất”.
Đối với xét nghiệm yêu cầu độ an toàn sinh học rất cao nên nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ 1 lần, mang đầy đủ găng tay, bao tóc, bao dày tới khẩu trang y tế. Mỗi bộ đồ có giá thành lên tới 400 nghìn đồng, do đó mỗi ca xét nghiệm, nhân viên y tế đều chủ động phải hạn chế các nhu cầu của bản thân từ ăn uống tới đi vệ sinh để sử dụng đồ bảo hộ được hiệu quả, tối ưu nhất.
Anh Tấn Tài cho biết: “Hiện mỗi tua trực của chúng tôi có 8 nhân viên, ngoài nhiệm vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 nhân viên xét nghiệm phải tăng cường cho khu xét nghiệm thường quy, dù rất vất vả nhưng tất cả đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tôi mong cộng đồng hãy thực hiện đúng chủ trương chỉ thị của Chính phủ trong việc cách ly xã hội để góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm, từ đó giảm nguy hiểm cho chính bản thân mỗi người, giảm áp lực cho nhân viên y tế”.
Vân Sơn- Nguyễn Quang