Căn bệnh kỳ lạ biến “hoa khôi” miệt vườn sau một đêm hóa thành… bà lão

Ngồi trước tôi là một người phụ nữ thân hình gầy xọm, da nhăn nheo, miệng móm, tóc rụng nửa phần. Bà là Nguyễn Thị Nhỏ (53 tuổi), người từng được sánh như “hoa khôi” trong xóm khiến bao người phải trầm trồ.

Thế nhưng, từ ngày mắc chứng bệnh lạ, bà bị nhiều người xa lánh, giễu cợt là “người ngoài hành tinh”, “nữ ma ám”, “bệnh cùi”… đẩy bà vào cảnh sống tự ti, cô độc.

 

Căn bệnh kỳ lạ biến “hoa khôi” miệt vườn sau một đêm hóa thành… bà lão

Bà Nhỏ thời còn thiếu nữ (ảnh nhỏ) và hình dạng thảm hại của bà thời điểm phát hiện “căn bệnh lạ”. Ảnh: T.G

 

Hóa lão sau khi ăn “sinh vật lạ”

 

Băng qua những bờ ruộng quanh co, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ (SN 1961, ấp 2, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, Long An), người mắc chứng bệnh bí ẩn khiến bản thân già trước tuổi và mang thân hình kì dị như người “ngoài hành tinh”. Ngôi nhà cũ kỹ nằm trơ chọi giữa cánh đồng hoang vắng, bên trong là người phụ nữ nom dáng tàn tạ như một bà lão. Dù đã được giới thiệu từ trước, nhưng chúng tôi cũng không thể tưởng tượng nổi từ một cô gái xinh đẹp, phúc hậu, vóc dáng lí tưởng cao trên 1m60, nặng 49 kg qua những bức ảnh chân dung ngày xưa, thì nay dung nhan ấy bị tàn tạ, dị dạng đến lạ thường. Người phụ nữ ấy nay chỉ còn cân nặng khoảng 20kg, gầy yếu như que tăm, co rút.

 

Gặp chúng tôi, bà không giấu được sự bối rối của một người tự ti. Nhớ lại thời “hoàng kim”, bà lại nức nở hoài niệm trong nước mắt: “Thời con gái, tôi đẹp nhất nhì trong ấp, bao người đàn ông theo đuổi, nhưng giờ thì nó đã là quá vãng rồi”. Bà Nhỏ thở dài thườn thượt chỉ lên những tấm ảnh, giọng xót xa: “Ấy là ảnh của tôi ngày chưa mắc bệnh, nhiều người đến nhìn thấy rồi vô tư hỏi đó có phải là con gái tôi không (?), nghe chạnh lòng quá”.

 

Bà Nhỏ cho biết, nhà có 9 anh chị em, ai cũng khỏe mạnh. Hồi con gái, bà xinh đến mức nhiều người thường gọi là hoa khôi xóm, bao chàng trai cập kê ngỏ ý muốn cưới về làm vợ. Nhà quá nghèo nên bà mãi đi làm lụng kiếm sống thế rồi tuổi xuân qua đi không hay. Sau ngày miền Nam giải phóng, bà sống chung với hai người chị của mình. Cuộc sống nghèo khó nhưng êm đềm trôi qua trong tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Thế nhưng, một biến cố trong đời đã xảy ra, đẩy cuộc đời bà vào u tối.

 

“Năm đó tôi 21 tuổi, chị em ra ruộng tình cờ bắt được một con cua đinh (họ nhà rùa) liền mang về nấu. Vì đói nên mấy chị em ăn lấy ăn để một cách ngon lành. Sau khi lấp đầy dạ dày và đi ngủ thì sáng ngày mai, ai nấy đều xuất hiện những triệu chứng lạ, bà và một người chị sốt cao, mề đay từng hột đỏ ửng nổi khắp người. Nghĩ rằng do ngứa ngáy vì những ngày ngụp lặn ngoài sông nên chị em bà không ai lưu tâm để ý. Đến khi triệu chứng nặng hơn bà cũng chỉ ra tiệm thuốc Tây mua mấy viên uống qua loa, thấy đỡ hơn rồi ngắt từ đó. Mấy năm sau, người chị của bà già một cách nhanh chóng, sức lực suy kiệt, mất khả năng lao động, cuối cùng qua đời. 

 

Cũng giống như người chị, bà Nhỏ thấy mình kiệt quệ, da nổi nhiều nốt đỏ rồi sần sùi loang dần khắp cơ thể và kéo lại thành những nếp nhăn trông như một bà lão. Quá lo sợ, năm 1999, bà đi bệnh viện huyện để điều trị, sau khi khám các bác sĩ lắc đầu không xác định được bệnh buộc phải chuyển lên Bệnh viện Da liễu TPHCM. Tại đây kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị chứng xơ cứng bì và phải xạ trị lâu dài. Do quá túng bấn, bà chỉ cầm cự được 6 tháng thì đành xin xuất viện trở về sống chung với bệnh. “Từ ngày mắc bệnh, tôi thường phải chịu những cơn sốt thất thường. Mỗi lần sốt mề đay lại hành rất khủng khiếp. Những cơn đau nhói các khớp, như ngàn vạn con dòi đục trong tủy, người lúc nào cũng như có đống lửa âm ỉ thiêu cháy từng bộ phận nội tạng. Lúc ấy, tôi phải xối nước cho ướt hết người để giảm nhiệt. Nhưng càng xối nước thì da càng khô, tróc từng mảng tứa máu tra ngoài”.

 

Sức khỏe vì thế mà cứ suy kiệt, héo mòn, người gầy đét không khác nào bộ xương khô. Mái tóc dài và đen như nhung mỗi lần chải là rụng vò lại từng nắm. Bà Nhỏ đau đớn bảo, bây giờ thì nó cứ vàng khô và chết dần, chỉ còn mấy cọng lơ thơ trên đỉnh đầu. Một điều lạ là chứng bệnh khiến bà Nhỏ biếng ăn, thường bỏ bữa, thậm chí ăn vào là nôn thốc nôn tháo rất khủng khiếp. Nói đến đây, người đàn bà bất hạnh thở dài hụt hẫng: “Giá như ngày đó có tiền thì có lẽ, tôi không ra nông nỗi này. Nhãng đi thì đỡ còn mỗi khi nghĩ tới lại thấy sầu, thấy tủi cho số phận. Đôi mắt tôi giờ cũng lòa đi là do hơn 30 năm qua chẳng ngày nào thôi rơi nước mắt”.

 

Trong ngôi nhà lá xiêu vẹo ngày ngày bà phải chống chọi với bệnh tật, không người nương tựa. Cách đây không lâu có nhà hảo tâm động lòng đã cất cho bà một căn nhà tình thương để tránh nắng mưa. Thấy hoàn cảnh quá cùng quẫn một số người có tấm lòng hảo tâm đã nguyện đứng ra giúp đỡ khi lon gạo, lúc chút tiền để chị em bà sống qua ngày.

 

 Vật vã buổi xế chiều

 

Bà Nhỏ cho biết, những ngày này, bà phải nhịn ăn bỏ một khoản tiền không nhỏ để mua thuốc kìm hãm những cơn đau. Có lần, một bác sỹ từ thiện đến khám rồi khuyên nhủ bà không nên quá lạm dụng vì khi cơ thể không đủ sức đề kháng thì sẽ có những tác dụng phụ rất nguy hại. Bà ngậm ngùi: “Biết vậy nhưng nếu không uống thuốc liệu tôi có gượng nổi qua từng ngày, khi rơi vào tình cảnh như tôi mới cảm nhận được sự đau đớn tột cùng nó khủng khiếp đến mức nào”. Thế là có ngày, bà uống thuốc quên luôn cả ăn, thuốc tích tụ trong dạ dày nhiều gây viêm loét, phá hết nội tạng khiến bà như chỉ còn như bộ xác di động.

 

Hiện tại, thân thể bà Nhỏ héo mòn đến mức đi lại, nói năng cũng vô cùng khó khăn, bởi căn bệnh quái ác càng về sau càng biến chứng lạ lùng. Toàn bộ cơ mặt bà bị đông cứng và khó cử động nên mỗi khi nói chuyện cũng đau đớn. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, gắng lắm bà mới thều thào cất lên được những tiếng theo ý muốn rồi lại phải ngắt quãng nghỉ để lấy hơi. Bà Nhỏ bẽ bàng nói: “Có gì chua xót hơn khi buồn không thể khóc, lúc vui chẳng cười được hả cô chú (?). Làm người như thế thì chết còn sướng gấp vạn lần, chỉ khổ một nỗi bệnh nó không vật cho tôi chết luôn đi, cứ để như thế này sống mà chẳng khác nào ở dưới địa ngục”.

 

Ngay chuyện ngồi hay nằm cũng khó, bà bảo chỉ có thể ngồi dài trên chiếc võng hoặc nằm giường mới đỡ đau nhức, nhưng nằm rồi muốn đứng dậy thì phải lấy hết sức bình sinh, một lúc sau mới di chuyển được cơ thể. Chính vì vậy, không ít lần bà té ngã gãy chân, trật khớp, bật cả xương ra ngoài nằm liệt cả tháng trời. Những lúc như  vậy, người phụ nữ bất hạnh chỉ còn cách ăn nhờ ở đợ vào lòng trắc ẩn của bà con lối xóm. “Mới hôm rồi, trong lúc nấu ăn vì không thấy đường, tôi lỡ làm vung vãi chai dầu khiến lửa bùng lên thiêu rụi cả một vách nhà. May mà hàng xóm phát hiện kịp cõng ra ngoài, dập tắt đám cháy kịp thời không thì giờ này tôi đã nằm dưới ba tấc đất”, Bà Nhỏ gượng cười nói.

 

Cuộc sống quá cô độc, thân tàn ma dại, chẳng bà con thân thích, chẳng buồn hi vọng đến ngày mai, rất nhiều lần bà muốn tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng rồi có lẽ kiếp nạn này bà chưa trả hết nên trời bắt bà phải sống để khổ như thế này.  “Có lần, tôi đã thò tay vào ổ điện nhưng người hàng xóm phát hiện đã can ngăn. Rồi hôm tôi ra con lộ đứng giữa đường cho xe cán nhưng có lẽ số quá cao nên chưa tới. Tôi chỉ mong rằng sau một đêm ngủ dậy thấy mình không còn trên thế gian nữa, như thế là thanh thản”, bà Nhỏ buông lời bi quan.

 

 Hai mắt cũng hỏng

 

Cách đây 3 năm có đợt mổ mắt từ thiện cho người nghèo của Bệnh viện Mắt TPHCM tài trợ, bà cũng được nằm trong danh sách, nhưng lần này bác sỹ chỉ mổ được một mắt, mắt còn lại coi như mù vĩnh viễn. Đến nay thì nó cũng biến chứng nặng, chỉ thấy loang loáng mà thôi, nhiều lúc lọ mọ chẳng thấy đường va đồ đạc ngã chỏng chơ. Mắt thì gần như mù hoàn toàn, “căn bệnh lạ” nói trên không có cách chữa trị, khiến cuộc sống của bà rơi vào bĩ cực thực sự.

 

 

Theo Hải Miên – Phan Hằng

Gia đình & Xã hội