Căn bệnh hiểm ở ruột gây nhiễm độc, có thể mất mạng chỉ trong 3 ngày
(Dân trí) - Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ diễn tiến rất nhanh, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân chỉ trong vòng 3 ngày vì biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc.
Ngày 21/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (TPHCM) cho biết, nơi đây đã tiến hành phẫu thuật cứu thành công một trường hợp gặp biến chứng rất nguy hiểm ở đường tiêu hóa.
Bệnh nhân là ông N.V.T. (82 tuổi, ngụ TPHCM). Theo bệnh sử, cách một ngày nhập viện, cụ ông xuất hiện tình trạng sốt, đau bụng dưới, chướng bụng và càng lúc càng nặng hơn. Khi được người thân đưa vào bệnh viện, cụ T. đang đau bụng rất nhiều.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, cận lâm sàng kiểm tra. Kết quả chụp X-quang và chụp CT cho thấy bệnh nhân có hơi trong ổ bụng, nhiều túi thừa ở đại tràng. Hội chẩn và đọc lại CT lần 2, các bác sĩ vẫn thấy có hơi tự do trong ổ bụng, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thế Hưng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cho biết, trong đường tiêu hóa, cả dạ dày, ruột non và ruột già khi thủng đều tạo ra hơi. Do đó, cần phải kiểm tra kỹ để tìm được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng trên.
Đầu tháng 6, bệnh nhân được gây mê nội khí quản và phẫu thuật nội soi. Quá trình mổ, bác sĩ thấy dạ dày và tá tràng bệnh nhân đều sạch, không có tổn thương. Tiếp tục thám sát xuống dưới, các bác sĩ phát hiện có giả mạc ở hố chậu trái, nghĩ đến thủng túi thừa đại tràng sigma.
Vì vết thủng gây dính ruột nặng, không thể mổ nội soi, bệnh nhân được chuyển sang mổ hở. Ekip điều trị đã rạch một đường giữa dưới rốn để tiến hành tách ruột khỏi lỗ thủng. Đường vỡ sau khi đã tách khỏi ruột hoàn toàn có chiều dài 3cm, dính chặt ruột non, có nhiều mủ chảy.
Bác sĩ tiếp tục hút và lấy dịch mủ để nuôi cấy vi trùng, đồng thời kiểm tra dọc theo đại tràng, xác định xem bệnh nhân có khối u hay không. May mắn, bệnh nhân chỉ có túi thừa bị vỡ.
Theo bác sĩ Hưng, thông thường để giải quyết tình trạng này, bệnh nhân sẽ được cắt rời phần có túi thừa, sau đó khâu lại. Tuy nhiên bệnh nhân đã lớn tuổi, nếu thực hiện theo cách trên sẽ phải chịu cuộc mổ lớn, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng.
Do đó sau khi hội ý, ekip điều trị quyết định cắt lọc, khâu trực tiếp vị trí thủng, mở hồi tràng ra da để dịch tiêu hóa không ảnh hưởng đến vết thương và giảm áp lực ổ bụng. Ca mổ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.
Hậu phẫu, bệnh nhân được kết hợp thêm hỗ trợ dinh dưỡng và tập hô hấp. Đến ngày thứ 3 sau mổ, bụng bệnh nhân giảm chướng, sức khỏe dần ổn định. Hậu phẫu ngày thứ 11, ông cụ xuất viện.
Tái khám sau một tuần, các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân trở lại bình thường và vết thương liền hẳn. Dự kiến sau 1 tuần nữa, bệnh nhân sẽ được đóng hậu môn nhân tạo.
Bác sĩ Hưng chia sẻ, 95% túi thừa nằm ở đại tràng và thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, ăn ít chất xơ, nhiều dầu mỡ, ít vận động.
Giai đoạn đầu khởi phát, bệnh nhân sẽ bị viêm túi thừa. Nếu để nặng dần sẽ gây thủng túi thừa và diễn tiến rất nhanh, chỉ cần 2-3 ngày có thể nguy hiểm tính mạng vì biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc.
Do đó, người dân, nhất là người trên 40 tuổi được khuyến cáo nên tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống khoa học. Khi thấy đau bụng dưới, sốt và rối loạn tiêu hóa, nên đi khám sớm để được xác định đúng tình trạng và điều trị kịp thời, vì bệnh dễ nhầm với viêm ruột thừa.