Căn bệnh hàng triệu người mắc nhưng khó kiểm soát, chẩn đoán

Nam Phương

(Dân trí) - Khoảng hơn 14 triệu người Việt mắc hội chứng ruột kích thích. Dù là bệnh thường gặp nhưng nó lại khó chẩn đoán vì triệu chứng bệnh rất khác nhau giữa các bệnh nhân, không có tổn thương thực thể…

Chia sẻ tại hội thảo khoa học nhân ngày IBS thế giới và tháng nhận thức về IBS diễn ra tối 18/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hội chứng ruột kích thích (IBS) là rối loạn tiêu hóa mạn tính rất thường gặp trên thế giới và ở Việt Nam, với tỷ lệ mắc bệnh cao chiếm 10 - 15% dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, ước tính có hơn 14 triệu người bị IBS. 

IBS bao gồm các triệu chứng đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón… Nó thường kèm theo các triệu chứng tâm lý như trầm cảm hoặc lo âu.

Căn bệnh hàng triệu người mắc nhưng khó kiểm soát, chẩn đoán - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: M.H).

Căn bệnh này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên chỉ 30% người mắc IBS tham khảo ý kiến của bác sĩ, nghĩa là 70% số người mắc IBS đang chịu đựng trong im lặng, GS Thuấn cho biết. 

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể trị dứt điểm hoàn toàn các triệu chứng của IBS, mà chỉ có các thuốc điều trị triệu chứng riêng lẻ, như thuốc chống co thắt, đau bụng, thuốc trị tiêu chảy, táo bón… 

"IBS không phải là bệnh chết người, nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chúng ta có hàng triệu người lao động mắc căn bệnh này. Vì thế, đây là vấn đề sức khỏe rất đáng quan tâm", GS.TS Đào Văn Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam nhấn mạnh.

Căn bệnh hàng triệu người mắc nhưng khó kiểm soát, chẩn đoán - 2

Việc thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát IBS (Ảnh: G.D).

Theo GS Long, ngày nay, hệ vi khuẩn có lợi cho sức khỏe đã được phát triển và trở thành ngành quan trọng, bổ trợ mạnh mẽ cho quá trình điều trị bệnh IBS của bác sĩ. Hệ vi sinh đường ruột được chia thành 2 nhóm vi khuẩn lớn có lợi và không có lợi cho sức khỏe. Đây được coi là vấn đề thời sự của y học vì hệ vi sinh đường ruột liên quan đến rất nhiều bệnh tật, sức khỏe của con người, liên quan chặt chẽ đến ung thư, tim mạch.

 TS.BS Thái Doãn Kỳ - Phó Chủ nhiệm khoa Điều trị bệnh ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cũng cho biết thêm, hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng của đường tiêu hóa gây ra các cơn đau bụng hoặc khó chịu mạn tính, tái phát có liên quan đến đại tiện và thay đổi thói quen đại tiện. Đây là bệnh thường gặp nhưng thường bị lãng quên.

Trong tiếp cận chẩn đoán IBS, bác sĩ cần chú ý đến các dấu hiệu báo động đỏ sau để phân biệt với bệnh viêm ruột mạn, bất dung nạp gluten.., thậm chí là ung thư đại trực tràng:

- Người lớn tuổi (>50).

- Sụt cân đáng kể.

- Sốt kín đáo (thất thường).

- Thiếu máu.

- Cơn đau cường độ mạnh.

- Đại tiện phân máu.

- Đau bụng/ Tiêu chảy ban đêm. 

"IBS là một bệnh lý khó quản lý, kiểm soát. Thứ nhất là do bệnh khó chẩn đoán. Triệu chứng bệnh rất khác nhau giữa các bệnh nhân, không có tổn thương thực thể, đồng thời diễn biến bệnh thay đổi theo thời gian. Thứ 2, việc điều trị chỉ là điều trị triệu chứng. Thứ 3 là khó kiểm soát các yếu tố khởi phát, làm trầm trọng bệnh như thực phẩm, thần kinh, nội tiết", BS Kỳ phân tích.

Vì thế, mục tiêu điều trị là cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bệnh nhân cần thay đổi lối sống, chế độ ăn… 

Theo đó, 80% bệnh nhân IBS có triệu chứng liên quan đến chế độ ăn uống. Vì thế, bên cạnh thay đổi lối sống bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn. 

Cụ thể:

- Duy trì đều đặn thời gian, khoảng cách giữa các bữa ăn.

- Không ăn quá no, tránh ăn vội vàng, lưu ý thư giãn khi ăn.

- Bổ sung chất xơ (ưu tiên chất xơ hòa tan).

- Hạn chế các thức ăn nhiều chất béo, lên men, các đồ uống có cồn/gas, chất làm ngọt nhân tạo….

- Giảm lượng khí nuốt vào/ăn: nhai kỹ, không uống nhiều nước khi ăn…