Căn bệnh Glôcôm gây mù lòa đang gia tăng
(Dân trí) - Chỉ trong khoảng thời gian 3 năm qua, số bệnh nhân mắc Glôcôm đến bệnh viện Mắt điều trị đã tăng hơn 36,1%. Đây là căn bệnh “giấu mặt” bởi người bệnh không hề hay biết cho đến khi mờ mắt, có nguy cơ mù lòa.
Sau nhiều tháng mắt có biểu hiện nhìn mờ, chói, cảm giác tức, khó chịu, ông Nguyễn Hùng Sơn (56 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, TPHCM) đến bệnh viện Mắt kiểm tra. Qua các kết quả thăm khám, bác sĩ xác định, ông Sơn mắc phải chứng bệnh Glôcôm góc mở. Bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân, nhưng tiên lượng về khả năng giữ lại thị lực cho ông Hùng Sơn rất dè dặt.
Ông Sơn chỉ là một trong số rất nhiều người bệnh đến khám trong tình trạng bệnh đã diễn tiến nặng. Số liệu được BSCKII, Trịnh Bạch Tuyết, Trưởng khoa Glôcôm, bệnh viện Mắt, TPHCM công bố trong buổi khám bệnh miễn phí nhân tuần lễ Glôcôm thế giới (11-16/3) cho thấy: số người mắc căn bệnh này ngày càng được phát hiện nhiều. Nếu năm 2013 bệnh nhân Glôcôm phải nhập bệnh viện Mắt điều trị là 1.993 người, số bệnh nhân ngoại trú là 11.988 người thì đến năm 2015, số ca điều trị nội trú đã tăng lên 2.714 người (tăng hơn 36,1%), bệnh ngoại trú là 18.827 trường hợp.
Phân tích chuyên môn của BS Bạch Tuyết chỉ ra: Glôcôm hay còn gọi bệnh cườm nước hoặc thiên đầu thống, là một nhóm bệnh lý của mắt gây tổn hại thị thần kinh. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây mù trên thế giới đứng sau đục thể thủy tinh, tại Việt Nam có khoảng 6,5% người mù là do bệnh Glôcôm. Bệnh nguy hiểm nhưng diễn tiến âm thầm, khoảng 90% người bệnh không biết mình mắc bệnh. Hầu hết trường hợp được phát hiện khi tình cờ đi khám các bệnh lý khác hoặc đến bác sĩ chuyên khoa lúc bệnh đã ở giai đoạn nặng. Hiệp hội Glôcôm thế giới ước tính, hiện toàn cầu hiện có khoảng 4,5 triệu người bị mù lòa do bệnh lý này, con số này sẽ tăng lên 11,2 triệu người vào năm 2020.
Nguyên nhân của bệnh Glôcôm hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh thường có các biểu hiện như: áp lực ở trong mắt tăng cao, gây chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng thị thần kinh làm cho thị thần kinh bị tổn thương không phục hồi và đưa đến tình trạng mù lòa. Hiện, y học đã xác định được một số cơ chế gây tổn thương đầu thị thần kinh trong bệnh Glôcôm như: bệnh lý gây xơ hóa mạch máu, những chất oxy hóa, hóa chất trung gian gây chết tế bào…
BS Bạch Tuyết chỉ ra, bệnh lý Glôcôm được chia thành hai thể, nguyên phát và thứ phát. Ở thể nguyên phát, Glôcôm lại được chia làm hai dạng gồm góc đóng và góc mở. Bệnh nhân dạng góc mở có biểu hiện âm thầm, không đau nhức, nên thường phát hiện muộn, nguy cơ mù lòa cao. Ở dạng góc đóng thường có những biểu hiện dữ dội như nhức mắt, nhức đầu, nhìn mờ, nôn ói… khiến bệnh nhân phải lập tức vào viện, song nguy cơ mù lòa thấp hơn dạng góc mở.
Những người mắc Glôcôm thứ phát thường là do biến chứng của những bệnh mắt khác như: chấn thương, viêm màng bồ đào, tiểu đường, cao huyết áp, cận thị nặng, bệnh nhân sau phẫu thuật nội nhãn phaco, bong võng mạc, các nguyên nhân do sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid trong thời gian dài, sai chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra bệnh Glôcôm hiện nay còn được phát hiện cả trên bệnh nhi với đối tượng là nhóm trẻ sơ sinh, việc điều trị gần như không có kết quả.
Từ thực tế điều trị, BS Bạch Tuyết cho hay, nhóm đối tượng mắc bệnh Glôcôm ở thể nặng thường là những người sống ở vùng nông thôn. Đây có thể là do người dân chủ quan hoặc thiếu thông tin về bệnh nên không chủ động trong việc tầm soát, điều trị. Để hạn chế nguy cơ mù lòa do Glôcôm, bác sĩ khuyến cáo người dân ở độ tuổi ngoài 40 cần phải chủ động khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc1 năm một lần. Với nhóm đối tượng có nguy cơ cao thuộc dạng Glôcôm thứ phát kể trên, cần phải thực hiện khám mắt định kỳ 3 tháng đến 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện và điều trị.
Hiện bệnh lý Glôcôm đã có nhiều phương pháp điều trị bằng thuốc, can thiệp laser, phẫu thuật. Tuy nhiên, chưa có phương pháp nào giải quyết triệt để căn bệnh này, người bệnh khi đã mất thị lực thì không thể phục hồi.
Vân Sơn