Cái rét ngày xuân: Những điều cần lưu ý
(Dân trí) - Xuân đến, đông tàn nhưng cái rét thường vẫn còn lan man. Dưới lăng kính tích cực, thì thiên nhiên cho cái lạnh để con người có cơ hội chưng diện thời trang, để những buổi tiệc tùng them sum vầy đầm ấm, để những nhà văn, thi sĩ, họa sĩ có cảm hứng để trổ tài…
Nhưng dưới góc nhìn của nhà y học, cái lạnh gây hại ra sao? và phòng chống thế nào?
Ăn uống
Cũng như mọi ngày trong năm, trong tiết lạnh giao thời đông xuân, con người cũng cần ăn uống đủ chất (đường đạm, béo, khoáng và vitamin) và đủ lượng theo Ô vuông thức ăn và Tháp khẩu phần ăn cân đối.
Điều cần lưu ý là về mùa lạnh chúng ta nên dùng những thức ăn khi đang nóng, thức ăn chứa nhiều năng lượng và có các gia vị tiêu, ớt, gừng, hành, hồi, quế….như các loại lẫu hải sản, bò né, súp cá, thịt kho tiêu, lươn um chuối..…
Những thức uống tốt cho mùa lạnh như trà gừng, trà la hán quả, rượu vang…
Tắm rửa vệ sinh
Trời lạnh, cũng cần tắm để “làm sạch” chất dầu bài tiết, lớp biểu mô chết và gột hết những vi khuẩn ký sinh trên bề mặt da. Nhưng tắm quá nhiều có thể làm tổn thương đến lớp biểu bì của da, gây mẩn ngứa và có thể gây ra các bệnh về da. Vì vậy, mùa lạnh chỉ nên tắm 2-3 ngày một lần. Chỉ những vùng kín và cánh, bàn tay phải lau rửa thường xuyên hơn.
Phòng tắm cũng phải là nơi kín gió, tuyệt đối không mở cửa sổ, cửa chớp quá rộng để gió lạnh lùa vào rất dễ làm trúng gió, thậm chí đột quỵ.
Không nên pha nước quá nóng, thích hợp cho nước tắm vào mùa lạnh là từ 24-29 độ C. Nước tắm quá nóng sẽ làm giãn mạch da và toàn thân gây áp lực cho tim. Ngoài ra, nhiệt độ nước quá cao còn là “kẻ thù” với làn da, gây kích ứng, ngứa, phá vỡ chất dầu trên bề mặt da, gây nở lỗ chân lông, giãn huyết quản, càng làm tăng thêm độ khô, tróc vảy sừng của da.
Trước khi tắm cần khởi động 10-15 phút để làm ấm cơ thể, giúp các khớp tiết sinh chất nhờn đồng thời giúp mạch máu lưu thông.
Không nên tắm quá lâu trong mùa đông xuân, vì da bị mất nước, mất nhiệt làm cơ thể mệt mỏi, có khi gây co mạch, đột quỵ.
Khi tắm xong, cần nhanh chóng dùng khăn lau khô người rồi mặc đồ ấm và ngồi trong phòng kín gió. Nếu vẫn cảm thấy lạnh thì nên pha một cốc trà gừng nóng.
Tập thể dục
Tập thể dục cũng rất cần thiết trong mùa đông. Nhưng cần lưu ý những vấn đề “kỹ thuật” sau: (1) Khởi động kỹ trước khi tập thể dục để cơ bắp thích nghi trước khi vào bài tập, (2) Duy trì cường độ tập luyện tăng dần.Uống đủ nước để tránh hạ thân nhiệt, (3) Chọn môi trường thoáng khí, ít người, tốt nhất tập trong phòng ít người, chọn nơi tập ở ngoài trời, nơi có mái che và (4) Chú ý động tác tập thở, thoáng nhưng không để nhiễm không khí lạnh bằng cách cách thở bằng mũi, tránh thở miệng dễ gây viêm họng và các bệnh về hô hấp khác.
Phòng bệnh buổi giao mùa đông xuân
Mùa lạnh, con người rất dễ bị bệnh đường hô hấp gây ra bởi vi sinh vật như virut, vi khuẩn, vi nấm và dị ứng. Đặc biệt người cao tuổi, khi chức năng cơ thể và khả năng miễn dịch đều giảm. Do đó, những bệnh đường hô hấp thường gặp mùa lạnh là: cảm cúm, viêm mũi họng, hen phế quản…tăng lên.
Các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa là:
- Mặc đủ ấm, ngủ ấm, quàng khăn cổ, bịt khẩu trang tránh gió lạnh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc từ lạnh chuyển sang rét đậm nên hạn chế ra khỏi nhà, đặc biệt lúc sáng sớm.
- Cần vệ sinh răng miệng, họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những người cao tuổi đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang..
- Xông các loại tinh dầu sát khuẩn như dầu bạc hà, khuynh diệp, đặc biệt là tràm, mưa gió nhớ có dầu tràm.
- Tiêm phòng bệnh cúm sớm: “Vào thu nhớ tiêm phòng flu”
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mùa lạnh bệnh cúm lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, hàng năm có 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong.
Tại Việt Nam, hàng năm cũng có khoảng 1,5 - 1,8 triệu người bị cúm chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2, H1N1) một số mắc cúm B và cúm C. Bệnh phát hiện quanh năm và rộ lên khi thời tiết lạnh, lúc giao mùa đông-xuân.
Theo WHO, tiêm phòng vắc xin có thể giảm đến 60% nguy cơ mắc bệnh và giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 - 80%. Người khoẻ mạnh, tiêm ngừa làm giảm đến 70 - 90% nguy cơ mắc bệnh cúm.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh CDC, hàng năm tại Hoa Kỳ có khoảng 60% quý vị trên 65 tuổi đi tiêm ngừa cúm và họ đang đặt mục tiêu là phải nhắc nhở khích lệ để chích ngừa đến 90%.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam